Tạp bút đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần
Về chiều, lúc còn chút nắng yếu, nhìn ra phía trước là hình ảnh gần như mặc định trên con đường liên xóm: dáng ba đạp xe chậm rãi, đèo theo một bao rau muống cắt dưới bào về. Mùa nắng thì đỡ, mùa mưa lại thấy thêm chân và ống quần ba dính bùn. Mùa mưa thêm một chi tiết là rau dính nước, ràng ngoài sau càng nặng nên vòng xe của ba càng chậm.
Đó luôn là những buổi chiều của mười mấy năm nay, buổi chiều có tiếng lộp cộp trên tấm thớt gỗ me ngay bậc cửa bên hông nhà. Tấm thớt vẫn còn gồ ghề như lúc thân me còn sống, đời thớt bằm rau đều xấu xí hơn những đời thớt trong nhà bếp. Mặt thớt thâm đen, dính đầy xác rau và chằng chịt đường dao bằm.
Cứ ra tới cửa là nghe mùi mủ rau muống xông lên từ tấm thớt, con dao và cái thúng cũ đựng rau đã bằm nát. Ba xổ rau ra thành đống rồi ngồi lọt trong khung cửa bằm rau khi nắng chiều đã đổ hết xuống mấy nọc thanh long sau nhà…
Tiếng dao bằm đè lên rau, chạm vào thớt là đám heo bên chuồng nhao nhao kêu như biết bữa cháo chiều sắp có. Cái bếp phía chái nhà sau cũng cháy phất lửa để nấu mấy lon tấm trong nồi gang đen thui. Ba vẫn đều đặn siết và ghì chặt bó rau trong tay, bằm không ngưng, bó này qua bó khác, độ chừng mười lần là đã cạn bao rau, hốt được một thúng, đổ đầy nồi cháo đang sôi với hột tấm nở chuyển động. Mùi rau trộn vào tấm, thơm lên thứ mùi của cuộc đời đạm bạc và cần cù…
Cuộc đời nông dân của ba vẫn tận tụy với những đàn heo dù nhiều rất nhiều nọc thanh long trong vườn ra trái đỏ căng. Cữ trưa, cứ bật môtơ tắm heo, chịu nghe mùi thối bám vào mình, rồi xách từng xô cháo nấu với thúng rau cho chính tay cha bằm, đổ vào từng máng một. Tiếng phầm phập phát ra từ chuồng heo như tiếng đời vui vẻ.
Buổi chiều của ba lội xuống bào cắt rau về bằm nấu cháo cho heo không còn là một công việc trong đời nông vất vả mà còn là một thói quen của đời người. Đôi khi không đụng tay, ông cũng thấy nhớ bào rau, nhớ mùi mủ rau, nhớ miếng thớt cũ đặt ngay bậc cửa nhà sau.
Mỗi lần về nhà, ba sai đi cắt rau là chân muốn quỵ ngã, lội xuống bào rau muống đều canh giờ để cắt, chiếc đồng hồ điện tử chạy độ năm bảy phút là thả liềm thả dao, gom rau hốt nhét lẹ vào bao, đạp xe phăng phăng đi về. Vì độ thời gian ấy, nếu cắt chú tâm thì nhét khéo bao rau vẫn đầy. Bao rau của ba ép xuống chắc nịch, nặng trịch, bao rau của tôi không dám ép, chỉ nhét nhét phủ phủ để đánh lừa con mắt nên nhẹ hều.
Cũng ngồi bằm nhưng như làm chuyện ngó thấy, bằm bao rau có nhúm mà ngồi mãi miết đến sập tối, cả bàn tay dính đầy mủ và đuối rã. Đó là những buổi chiều của tuổi thiếu niên. Những buổi chiều bây giờ đã tự giác vì đã thấy xót ruột mỗi lần nhìn ra cửa nghe tiếng dao thớt phát ra từ tay ba, một ông sắp già, vẫn chiều chiều ngồi bằm rau nấu cháo cho heo.
Mắt cũng thấy hơi cay khi bàn tay ba dính đen mủ rau muống, từng lớp dày. Bây giờ, xa quê thêm một chút đỉnh, lại thèm ngồi bằm rau để hoài niệm những khoảnh khắc còn sót lại của thời thơ ấu.
ảnh: bàu rau muống – https://www.lakerestoration.com/weed_control/water-spinach/
Tôi nhớ độ hơn chục năm trước, mỗi buổi chiều là mỗi sân trong xóm đều có người ngồi bằm rau để nấu, để hầm cháo cho heo. Chỉ một người bằm rau mà cả sân đông đúc. Người ta quây quần nói chuyện, đút cơm cho con, ngồi lượm thóc trong gạo vo nấu cơm chiều… bên những đống rau muống đang lộp cộp trên sân.
Buổi chiều bằm rau trở thành một thứ khoảnh khắc quê nhà. Từ ngày mấy nọc thanh long xâm chiếm đồng ruộng, vườn tược, người ta ít nuôi heo dần, chỉ chăm chăm kéo rơm, vuốt tai, cắt dây thanh long và nói chuyện kiểu giàu có…
Tiếng bằm rau vãn dần, gần như là hiếm hoi. Nên mọi chiều nghe tiếng bằm rau của ba lại thấy quý giá, từng tấc lòng như muốn khóc khi nghe được thời khắc của quá khứ quê nhà…
Trần Minh Hợp