Sách & Audio

Sách luyện viết: Tập Viết Lời Bình, từ lời bình chương trình Ngôi nhà mơ ước (HTV)

Nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM, năm 2021

Biên tập: Đình Ba

Cuốn sách được viết như một trải nghiệm của riêng tôi trong công việc viết lời bình truyền hình.

Cuốn sách này được viết dành cho những người viết quan tâm đến lĩnh vực truyền hình, phim tài liệu, báo viết, nhất là các chương trình truyền hình thực tế, các phóng sự dành cho người nghèo. Những đoạn lời bình (đã phát sóng) được trích dẫn trong cuốn sách, hy vọng có thể trở thành tài liệu tham khảo cho các sinh viên ngành báo chí truyền thông, các Youtuber theo đuổi việc sản xuất những nội dung về con người.

Đặc biệt, tôi tin cuốn sách này cũng hữu ích cho những bạn tuổi mới lớn trong học văn và cảm nhận cuộc sống.

Cuốn sách, một cách đơn giản, cũng dành cho những ai muốn thưởng thức từ ngữ viết về cuộc sống người nghèo ở miền Nam Việt Nam.

Lời tựa của sách:

Ngồi trước cái ti vi trắng đen 14 inch, coi các các bộ phim tài liệu trong chương trình Việt Nam – Đất nước, con người cùng các ký sự hành trình của HTV như Mekong ký sự, Hành trình theo chân Bác, Ký sự hỏa xa – Hành trình xuyên lục địa, Ký sự Sông Hằng… tôi ước gì mai mốt, mình có bài được đọc trên ti vi.

Cái ti vi 14 inch này như một “thương hiệu” của gia đình tôi một thời. Nó là cái ti vi trắng đen đầu tiên trong xóm khi nhà nhà chưa có ti vi nhưng cũng là cái ti vi trắng đen cuối cùng trong xóm khi nhà nhà ai cũng có ti vi màu. Có bữa tôi phải lấy kềm vặn chuyển kênh. Nhưng tôi cảm ơn nó vô cùng, vì nhờ khung hình 14 inch đó, tôi biết được có một “thiên đường” viết lách trên ti vi.

Năm 2012, tôi có cơ hội viết tác phẩm truyền hình đầu tiên “Nụ cười Trường Sa” – là “bài thu hoạch” từ chuyến đi thực tế sáng tác tại quần đảo Trường Sa cùng các cán bộ tuyên giáo, phóng viên, văn nghệ sĩ của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Sau đó, các tác phẩm truyền hình về chủ đề người lính do tôi viết như “Những nghĩa trang trên biển cả” “Trở về điểm hẹn” được phát sóng trong cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7 năm đó.

Cùng lúc ấy, chương trình truyền hình dành cho người nghèo Ngôi nhà mơ ước cần một người viết mới thay cho biên tập viên Lê Phước Lập, khi đó là người viết và đọc lời bình cho chương trình đã hơn 6 năm. Tôi được mời thử viết với “lý lịch viết lách” là 3 đoạn phim tài liệu ngắn “Nụ cười Trường Sa”, “Những nghĩa trang trên biển cả” “Trở về điểm hẹn” cùng hành trang văn chương là 3 tập truyện ngắn và giải thưởng Nhà văn trẻ TP.HCM.

Thật hạnh phúc, tôi được HTV và khán giả chấp nhận trở thành người viết lời bình chính thức cho chương trình truyền hình Ngôi nhà mơ ước – chương trình đang ăn khách lúc bấy giờ.

Hình ảnh của những ngôi nhà nghèo trong mắt tôi bắt đầu đầy dần và quen thuộc, quen thuộc như một vẻ đẹp văn hóa dân dã, đặc trưng của miền Nam đất nước:

Đó là những con người sống trong mái nhà lợp che bằng lá dừa nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, những mái nhà được dựng tạm bằng mấy tấm mành ở miền Đông và ngoại ô thành phố, những mái nhà vách tôn nóng bức dưới trưa trời miền Trung, những mái nhà vách lồ ô, vách đất ở những làng núi rừng Tây Nguyên. Có những khi mưa gió phải chui xuống gầm bàn thờ để núp…

Từ Ngôi nhà mơ ước, một số cơ hội viết lời bình khác cho truyền hình đến với tôi như chương trình truyền hình thực tế Câu chuyện ước mơ, một sốkịch bản dẫn chương trình, gameshow Đặc nhiệm Blouse trắng, các phim tư liệu lịch sử, và video ca nhạc. Những cơ hội làm việc đó giúp cho tôi thấy được trải nghiệm thật sự với 4 chữ “NGƯỜI VIẾT LỜI BÌNH” – mơ ước có bài được đọc trên ti vi khi ngồi trước ti vi trắng đen 14 inch năm xưa đã… hoàn thành.


Đường dẫn đặt sách:

  1. https://nxbhcm.com.vn/83/tap-viet-loi-binh-qua-chuong-trinh-ngoi-nha-mo-uoc-htv-5117
  2. https://tiki.vn/tap-viet-loi-binh-p270975655.html
  3. https://nhasachphuongnam.com/tap-viet-loi-binh-qua-chuong-trinh-ngoi-nha-mo-uoc-cua-htv.html?srsltid=AfmBOopTmAjdD7JvC7WhtPXz2ol-LcYQ3g0ZQOe4E2nL-_Xdnah8JTMo

Trần Minh Hợp

Có gã trai đạp xe run lẩy bẩy – Tập truyện ngắn

Bài viết trước

Tùy bút- Điều bình dị

Bài viết tiếp theo

Bài liên quan