Bình Thuận

Về Ăn Cá Mòi Con Ơi

“Về ăn cá mòi, cá mòi đang mùa, nhiều dữ lắm, để hết mùa con ơi!”, là câu má hay nói để kêu tôi về nhà.

Độ tháng 4, tháng 5, là bắt đầu mùa săn cá mòi. Cá mòi theo từng luồng về biển Bình Thuận, đến tháng 6, tháng 7 là cá mòi rộ nhất và ngon nhất. Cá mòi đầy ghe. Cá mòi đầy chợ cá. Cá mòi rất ngon, vị thịt cá ngọt mát, nhưng vì có rất nhiều xương, hơi khó lường thịt lúc ăn, nên lúc nào cũng rẻ. 

Ảnh: Cá mòi theo từng luồng về biển Bình Thuận, đến tháng 6, tháng 7 là cá mòi rộ nhất và ngon nhất.

Cá mòi nướng than chấm nước mắm giã bằng me đĩa (me non), cá mòi nấu lá me tươi, cá mòi nấu khế chua, cá mòi nấu canh chua măng, cá mòi kho măng là những món má hay nấu khi mỗi lần tôi về nhà trong mùa cá mòi.

Về nhà, ăn cơm cùng cả nhà, là khoảnh khắc tôi cảm nhận được sự an dịu, hạnh phúc. Về nhà, có những tiếng nói ruột thịt thân thuộc, có những món nấu bằng cá mòi của má. 

Cá mòi mang quê hương và nhà, ủ trong lòng tôi, nhung nhớ và thơm tho.

Mỗi lần ăn miếng cá mòi chấm nước mắm dầm ớt hiểm, là lúc tôi được thưởng thức hương vị tinh túy nhất của biển, của quê hương Bình Thuận, của đời tôi.

Mấy lần tôi về, lúc má không đi chợ được cũng gọi điện nhờ người quen mua cá mòi về nấu. Riết rồi, vì má làm “truyền thông” hiệu quả, nên ai cũng biết tôi là người thích ăn cá mòi. 

Một dì thân với nhà tôi, lúc thấy tôi về, cũng gửi lên nhà cho tôi ít cá mòi và lá me để nấu nồi canh ăn cho mát. Một dì khác nói, mỗi lần đi chợ thấy cá mòi là nhớ thằng Hợp.

Má là con bà ngoại – một người Vĩnh Long – nên má thừa hưởng trọn khả năng nấu ăn ngon và tính cách trong chuyện ăn uống rặt tâm tính miền Tây của ngoại. Có má dù chỉ là gia đình có điều kiện kinh tế bình thường, anh chị em tôi được ăn uống ngon nhất nhì xóm. 

Dần dần, những bữa ăn ngon của má nấu, nhất là những món cá mòi, là ký ức rõ nét nhất khi tôi nghĩ về nhà mình. Bởi vậy, mỗi lần về nhà, thích nhất là được ngồi ăn cơm với cả nhà, nhất là những bữa cơm có cá mòi. 

Những bữa ăn có sự ngon miệng đặc biệt không nơi nào bì được. Những bữa ăn có hơi ấm an dịu từ những bện chặt thiêng liêng của ba má và mấy anh chị em tôi tỏa theo từng đũa cơm, miếng cá. 

Ăn những loài cá biển khác thì xa nhà cũng ăn được, thậm chí ở nước ngoài. Nhưng muốn ăn cá mòi, thì chỉ một nơi duy nhất, nhà tôi, Bình Thuận.

Có đi ra khỏi nhà mới hiểu được tại sao nhà là nơi trở về sau tất cả các hành trình ngắn ngủi lẫn xa dài. Nhà là nơi tích trữ những bện chặt thiêng liêng, rực ấm nhất của con người. Đó là những bện chặt được đan nối bằng huyết thống và bản năng nuôi dưỡng. 

Những bện chặt là ngọn nguồn đích thực, nguyên bản và dồi dào sinh ra hạnh phúc, bình an, niềm vui, lòng thương cảm của mỗi người. Những bện chặt thiêng liêng, rực ấm này cũng giúp mỗi người có cảm giác an ninh khi họ đối diện với những tình cảnh rủi ro, hoảng sợ. 

Những bện chặt thiêng liêng, rực ấm này như một loại “thuốc tinh thần” để làm giảm những “cơn đau” của mỗi thành viên trong gia đình. Không nơi nào ôm chứa những bện chặt thiêng liêng, rực ấm này, ngoại trừ dưới những mái nhà. 

Những bện chặt thiêng liêng, rực ấm này cũng sinh ra cảm giác ngon miệng lạ kỳ, khi cả nhà cùng nấu và ăn chung những bữa cơm.

Nhiều lúc có thời gian rảnh, tôi ham viết văn, tôi ham làm việc, ham học để tìm kiếm một tương lai và mê cả đi chơi cùng bạn bè miền Đông, bạn bè miền Tây để thưởng thức phong cảnh và đặc sản cho đúng “công thức” tuổi trẻ. Bởi bận quá nhiều hoạt động “bên ngoài mái nhà”, nên nhiều lần tôi vô tư và “đành đoạn” thẳng thừng trả lời má:

“Về ăn cá mòi con ơi!” – má gọi điện kêu về. “Dạ tuần này con bận rồi má ơi, khi nào về được con báo!”.

“Về ăn cá mòi con ơi! Cá mòi đợt này béo lắm, một ký có mấy con à” – má gọi điện kêu về. “Dạ tuần này con bận rồi má ơi, khi nào về được con báo!”.

“Về ăn cá mòi con ơi, cá mòi sắp hết mùa rồi, phải đợi sang năm mới có lại đó” – má gọi điện kêu về. “Dạ tuần này con bận rồi má ơi, khi nào về được con báo!”.

Bây giờ, tôi tiếc nuối, vì kiếm thêm chút tiền cũng xài hết, tiếng tăm chun chút rồi cũng như nước mưa rơi xuống rọc rau muống. Giờ số điện thoại có tên “My Má” (má của tôi), không còn gọi đến máy tôi để kêu “về nhà ăn cá mòi con ơi!” nữa. 

Tôi giờ đây không còn má để nướng cà mòi, giã nước mắm me, nấu canh cá mòi lá me, nấu canh cá mòi khế chua, nấu canh chua măng cá mòi, hay kho cá mòi với măng luộc… 

Những hương vị của gia đình, hương vị “má – con” trong mùi thơm cá mòi những lúc về nhà như một “di sản” gia đình bị phá tan, bị chôn vùi mãi mãi và không có cách nào để “bảo tồn”.

Trần Minh Hợp

(Bài đăng trên Báo Tuổi Trẻ, 2023)

Tập tạp bút: Cười Từ Nước Mắt Của Cây

Bài viết trước

Cổ tích mùa đông

Bài viết tiếp theo

Bài liên quan