Một câu chuyện ở Bình Chánh, Tạp bút đăng báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, năm 2014
Ảnh: Người đàn ông sửa giày trong góc phố chiều ở Phan Thiết (Quang Nhân, Baobinhthuan.com.vn)
Người thợ may gù lưng ở góc chợ Đệm (Bình Chánh) ngồi ăn một miếng cơm dư từ trưa và hớp một ngụm trà cặn trong buổi chợ chiều.
Ông vẫn nói chuyện dưới một mái che bằng tấm bạt cũ. Cái giọng khô cằn và thê thiết. Trước khi gắn với kẹt chợ này, chú cũng đã trải qua bao đuối kiệt trầy trụa.
Cuộc đời của chú có quá nhiều chi tiết của bi kịch. Bị gãy xương lưng hồi tám tháng tuổi, nhà nghèo không có tiền chỉnh hình nên chú bị gù mãi mãi. Dẫu mang cái lưng gù, chú cũng học hành đàng hoàng, rành số rành chữ, kiếm được một công việc ở ủy ban xã ngoài Thái Bình như một thanh niên thẳng lưng khác.
Đi học trung cấp trở về cơ quan thì không được sắp việc, đứng trước lằn ranh đói khát chú buộc phải rời quê. Chú lặn lội vào Tây nguyên làm kế toán cho một nông trường cao su của người dân tộc tuốt trong làng núi, rồi làm kế toán trưởng cho các nông trường khác. Thấy sổ sách chú làm đâu trúng đó nên được chuyển vào Công ty vật tư Đắk Lắk.
Khi tách tỉnh, chú về Đắk Nông. Nhưng cuộc đời nhân viên cấp tỉnh kéo dài không lâu thì tỉnh giải thể công ty, chú không tài nào xin việc mới vì dáng hình của mình. Chú chia ly những con số và bàn giấy, tiếp tục dắt dìu vợ và bốn đứa con xuống thành phố như bao cuộc mưu sinh khác.
Cuộc đời một nhân viên bàn giấy đã chính thức bị đẩy vào phận hè đường tục lụy.
Vô Bình Chánh chưa thấm đất thì con trai đầu mất do u não, rồi vợ cũng bị xe tông chết. Nhìn di ảnh cô, chú vẫn trách cuộc đời. Cô đi làm mụ đỡ đẻ giúp cho nhiều người mà sao trời cũng không thương. Vợ con đi rồi, lòng thương nhớ làm yếu đi sức lực.
Trong cơn đổ bể cuộc đời tan nát như vậy, chú cũng nhận ra thực tế Trái đất mãi là hình tròn… Chú luôn hằn in triết lý ấy trong tinh thần của mình và ba đứa con còn lại…
Nếu Trái đất hình chữ nhật hoặc hình vuông thì chú sẽ dạy các con nấp vào các góc. Nếu Trái đất hình nón, hình chóp hay hình tam giác, chú sẽ dạy các con bon chen lên đỉnh cao. Mà thực tế Trái đất là hình tròn, không lẩn trốn vào đâu được nên chú dạy các con phải nhìn thẳng vào sự nghèo khó của mình thì mới tồn tại được…
Và, từ triết lý ấy, chú đã tồn tại được. Chú dạy mình bằng mọi cách phải làm tất cả những gì mình có thể. Đồng tiền lớn, đồng tiền nhỏ cũng là tiền. Chú dạy ba đứa con đi bán vé số. Nay bán Bình Chánh, mai thì Tân Bình, gần thì đi bộ, xa thì đi xe máy hoặc trèo xe buýt…
Chú muốn các con ra đường để dạy con biết đường đời, để thấy cuộc đời nhiều người còn khổ hơn mình mà cố gắng sống. Chú dạy các con người ta đang ăn thì không được mời mua, mời mua thì phải hai tay, ai mua giùm phải khoanh tay cảm ơn… Phải chăng nhờ vậy mà bữa nào chú và các con cũng bán được.
Một lần chú đi bán ở Chợ Lớn, được một ông già tốt bụng giúp truyền lại cho nghề may sửa quần áo, giày dép. Đôi tay khéo léo của chú được múa may trở lại. Kiếm được một góc chợ Đệm, căng tấm bạt, để vừa một cái máy may cũ, một cái tủ gỗ cũ. Từ đó kế sinh nhai của chú cũng ổn định…
Người ta hỏi chú quần quật vậy mỗi năm dư được bao nhiêu, chú bảo dư cỡ ba đứa con đi học. Thật sự, trong cái nghèo heo hút, chú vẫn khom cái lưng gù cật lực để cho ba đứa con được đến trường, không muốn những đứa con mình rớt lại mãi nơi hè đường.
Những đứa con, cả quãng đời tuổi thơ cũng đã lớn lên bằng ý niệm Trái đất hình tròn, không phải hình chữ nhật, hình vuông hay hình chóp, hình nón, hình tam giác, không để cho cái nghèo bẻ gãy mình.
Mà cũng chẳng biết mấy ai trên cuộc đời này nghĩ thực tế Trái đất hình tròn, hay vẫn sống ủ ê trách móc trong góc nào đó trên mặt đất hình chữ nhật, hình vuông, hay vẫn bon chen, đạp lên vai nhau vì nghĩ Trái đất là hình nón, hình chóp…
Trần Minh Hợp