Miền Trung, Tây Nguyên

Những người đàn bà đánh bóng trong thị trấn

 (Một chuyện ghi chép từ Đăk Hà, Kon Tum)

Tạp bút đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, năm 2011

Ảnh: Những người đàn bà khác: đàn bà công chức huyện, đàn bà công an, đàn bà hàng bún giò, đàn bà bán quán cà phê, đàn bà đi buôn, đàn bà có cháu, đàn bà còn cho con bú... cũng túa đủ ra sân.

Không gian yên tịch, thiu thỉu buồn trùm lên chiều ở thị trấn núi, mặc những chiếc xe đầu kéo container gỗ cồng kềnh chạy ầm ì trên đường mười bốn.

Xe gỗ, xe đường dài bết mấy lớp bụi Trường Sơn, lục khục nối đuôi nhau phả khói nhưng thị trấn chiều cũng vẫn đọng nét cô liêu. Nhiều khi ngồi trong quán cà phê chiều, ngắm con đường mười bốn, tự nhiên thấy động lòng trước thị trấn xa lạ này. Dẫu cũng chỉ là một người ngụ cư ở thị trấn, độ vài tháng rồi lại rời đi. Thị trấn cũng chỉ như là một ngã đường hoang vắng, giậm dấu chân qua một lần…

Cứ chiều chiều là tôi xỏ đôi giày cũ mang từ thành phố lên, chạy bộ khắp các ngách đường trong thị trấn như một thú vui tạm bợ, nghiền những buồn thiu nơi xa lạ. Khi đã nhừ bắp chân trên đường mười bốn hoặc ngửi phải mùi mủ cao su thối từ những bồn chứa… tôi thường tấp vô một ngã ba nhỏ, chạy chậm dần rồi thong dong bước như một kẻ kiêu bạc với cuộc đời.

Dần dà, tôi đã rẽ hết những ngã ba trong thị trấn, dẫn vào những xóm ngụ cư buồn hiu, núp sau những ngôi nhà mái cong cao như nhà Thái ngoài lộ.

Mùi chiều cô đặc. Con đường đất cát bột lên thứ màu quê mùa, xám đen. Mấy lùm dã quỳ cuối mùa cũng bắt đầu khô rốc đi, sót những bông hoa vàng èo uột. Rồi những người đàn bà bắt đầu túa ra những sân bóng xếp đặc xóm buồn. Một hiện tượng xã hội thú vị. Tôi gọi đó là những người đàn bà đánh bóng trong thị trấn…

Chẳng biết từ khi nào những mảnh lưới bóng chuyền cũ nát căng đầy trên cọc gỗ cong nứt nẻ, chạy dọc khắp mấy khoảng đất trống trong thị trấn: công viên cũ, nhà văn hóa khu phố, trường mẫu giáo, trước cái sân rộng thênh của một bà lão trong xóm… Lưới giăng cả những bãi phơi cà phê, khoai mì, mỗi khi vào vụ là cuốn lưới cất, chỉ chỏng chơ hai cọc gỗ khô khốc đâm trời chiều thị trấn.

Những sân bóng chuyền của những người đàn bà san sát, dày đặc hơn cả tổng sân của những người đàn ông.

Cứ mỗi chiều, sau những công việc nông nghiệp theo mùa vụ: nhổ khoai mì, hái cà phê, vót vỏ bời lời…, những người đàn bà vội về nhà cắm nồi cơm, xỏ giày bata, chạy vù ra sân bóng để giành suất đánh đầu tiên. Đánh bóng xong về hâm nồi cá, luộc miếng bầu là xong buổi cơm chiều.

Những người đàn bà khác: đàn bà công chức huyện, đàn bà công an, đàn bà hàng bún giò, đàn bà bán quán cà phê, đàn bà đi buôn, đàn bà có cháu, đàn bà còn cho con bú… cũng túa đủ ra sân.

Vài em gái mới lớn trong thị trấn cũng bắt đầu mang giày bata ra sân để tiếp nối những người đàn bà đánh bóng. Những bà lão trong thị trấn cũng chiều chiều ngước nhìn những đường bóng, đếm tỉ số và bàn tán tạo nên một không khí phụ nữ đại đồng trong thị trấn.

Những đường bóng đàn bà cũng vững và nét như những đường bóng đàn ông. Hai cánh tay rắn rỏi của những người đàn bà dãi gió sương chụm lại tâng những đường bóng cứng cáp và chắc nịch. Đường bóng đàn bà cũng kết tinh từ chiến thuật. Bắt bước một, chuyền hai, cầu công, phát bóng, lên lưới, bỏ nhỏ… đâu ra đó. Có những người đàn bà đã lưu tên bất khả chiến bại ở những vị trí sở trường.

Âm thanh của bóng vọng đanh vào buổi chiều thị trấn làm mọi thứ bình yên và bình đẳng. Mỗi ván đấu là một câu chuyện khác nhau: vui cười rộn rã, buông lời trêu đùa, đôi mắt sắc lẹm, động viên nhau cùng thi đấu, cược nồi lẩu, cà phê vào từng hiệp… Không khí nữ quyền thổi lồng lộng. Cuộc sống thấy nhẹ bỗng trôi trong thị trấn. Nỗi éo le của những thân phận phụ nữ dường như mất hút dần…

Đèn ngoài đường mười bốn sáng lên, những sân bóng trong thị trấn vãn dần và vắng tanh. Những người đàn bà đánh bóng lại tiếp câu chuyện đánh bóng của mình trong bữa cơm chiều với gia đình. Buổi sáng lên rẫy, buổi trưa đi chợ, những “xê” bóng hôm qua bỗng nóng lại như mục thể thao của một tờ báo… miệng.

Đám ma, đám cưới, cúng quải… những người đàn bà thường nói với nhau về bóng chuyền. Những câu chuyện buồn bã về bi kịch gia đình dường như nhạt nhẽo trong thị trấn. Chuyện người đàn bà sau kết thúc mỗi “xê” lại ra kéo áo cho con bú trở thành biểu tượng của những người đàn bà mê bóng trong thị trấn…

Cuộc sống nhàm chán lủi thủi của những người đàn bà mất dần từ khi có những mảnh lưới bóng chuyền được căng khắp thị trấn… Tôi bước nhẹ trong chiều, lòng ngân lên chút yên bình khi nghĩ về những người đàn bà lặng lẽ quê mình.

Trần Minh Hợp

Tạp bút: Bãi Rác và Nhà Hoa

Bài viết trước

Bandu – một tambon hiền lành

Bài viết tiếp theo

Bài liên quan