Một ghi chép ở Quản Bạ, Hà Giang
Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, năm 2017
Ụ rơm độc đáo ở Nặm Đăm
Thôn Nặm Đăm là một làng núi của người Dao ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Những cây đào khô khốc trong ngày cuối đông. Mái cổng với ngói lợp nâu đen theo truyền thống của người Dao. Ụ rơm giữ được nét hồn hậu của truyền thống sản xuất lúa nước trên cánh đồng bậc thang. Những hàng lá trạng nguyên đỏ run rẩy trong gió chiều tà. Trên đường, lại thấy một người phụ nữ Dao dáng người bé nhỏ, chân trần, bờ vai mạnh mẽ tải trên lưng bó cỏ voi hoặc củi từ đồi núi đá trở về làng.
Dù làng đã trở thành điểm du lịch cộng đồng nhưng sự bình yên vẫn được núi đồi bảo bọc như muôn đời. Làng vẫn là làng, đây là giá trị mà ít những địa bàn có phát triển du lịch cộng đồng khác giữ gìn được. Đa phần, nhiều nơi khác, đời sống có thể ít nhiều bị xáo trộn theo con đường thương mại dễ dãi của du lịch.
Bảo tàng cấp thôn
Thưởng thức bối cảnh của làng, nhìn sang bên trái, ngôi nhà treo biển Bảo tàng văn hóa thôn Nặm Đăm. Lần đầu nhìn được nhìn thấy một bảo tàng cấp thôn, mở ra một góc nhìn mới lạ về thiết chế văn hóa. Dòng chữ tiếng Anh Namdam hamlet cultural museum màu vàng, cũng gợi lên bầu không khí hội nhập của hoạt động du lịch.
Bảo tàng thôn nằm bên dưới gian nhà sinh hoạt cộng đồng. Bức tường đất của bảo tàng rất dày, được trộn đúc bằng kĩ thuật truyền thống của người dân cao nguyên đá. Thứ đất màu cam nâu, có lẫn sỏi của vùng Đồng Văn được người dân đào lên, trộn với nước suối, đúc phơi ngay trên móng nhà, cao dần dần thành tường. Bức tường giữ ấm khi cao nguyên rét mướt và dịu mát lúc trời hè. Từ bức tường đất cũng đã mang một hơi thở bản địa đặc sắc.
Một chút thâm u, bụi bặm làm bảo tàng trở thành cảnh đời chất phát, chân chất. Bước qua bậc cửa là nhìn thấy tấm áo tơi đen bằng sợi bẹ dừa khô để người Dao trùm đi làm rẫy mùa mưa. Chiếc áo tơi gợi đặc lên mộc mạc nhưng huyền bí về đời người Dao.
Tấm áo tơi đen bằng sợi bẹ dừa khô để người Dao trùm đi làm rẫy mùa mưa.
Từ chiếc áo tơi ngay đầu cửa đã lôi cuốn bước chân đi vào bên trong bảo tàng. Những vật dụng đời thường khắc họa cuộc sống trọn vẹn của người Dao. Mỗi vật dụng chân thật đến từng miếng hư miếng rách. Nông cụ thì có mõ bò, mõ trâu, dao thái, cày, liềm, cối xây thóc, bồ đựng thóc… Chuồng trại có gáo múc cám lợn, máng chăn lợn, dao chạp cỏ, sọt đựng rau… Bếp núc có hủ đựng tầu xì, chõ nấu cơm, cối giã ớt, ấm sắc thuốc, âu đựng mỡ, quả bầu đựng nước…
Trang phục có khuyên tai, những váy áo, mủ đội trẻ em, tràng hạt đeo cổ, vòng bạc, ba chiếc áo dài xanh, đỏ, vàng để cho những thầy cúng làm lễ cấp sắc, lễ tang và ngoài ra còn có võng tre, chiếc xuồng nhỏ… Tất cả vật trưng bày đều do người trong thôn Nặm Đăm gom tặng. Họ tặng chính những hiện vật từng trường trải thời gian cùng cuộc đời người Dao, kể cả một chiếc bàn thờ cổ đặt ngay chính giữa ngôi nhà với những câu đối và bài vị linh thiêng.
Thi thoảng nhìn lên trên những cây cột bảo tàng, treo bức ảnh nghệ thuật về cô gái Dao áo váy sặc sỡ. Họ không ai khác chính là những cô gái thôn Nặm Đăm. Cái đẹp trẻ măng nhất cũng từ làng bước vào bức ảnh, tạo thêm giá trị thanh thoát, gần gũi nơi làng núi.
Buổi trò chuyện chiều, chợt nhận ra hạnh phúc…
Người trò chuyện với tôi về bảo tàng và thôn Nặm Đăm trong buổi chiều hôm đó là một người dược sĩ. Ban đầu cứ nghĩ anh là một hướng dẫn viên của làng, vì thấy nói chuyện tiếng Anh rành mạch kèm những nụ cười thanh tú với hai người khách nước ngoài. Anh lên Nặm Đăm để phát triển vùng dược liệu cho công ty dược, vừa tạo một đời sống sản xuất mới cho người dân như trồng thuốc, nấu thuốc, nấu cao Atisô. Thi thoảng xong việc ở vườn thuốc, anh hay có mặt tại bảo tàng để nghỉ ngơi và hướng dẫn bà con trong hợp tác xã nấu thuốc.
Người dược sĩ nói từ Hà Nội chịu lên đây, cũng được cho bà con, được cho Nặm Đặm mà cũng được cho mình. Trong những câu chuyện anh kể, tôi nghe được một sự chịu khó, những sự thi vị từ những chuyến đi rừng tìm cây thuốc, một trái tim yêu nghề dược, yêu cây cỏ dược liệu và yêu vùng đất Nặm Đăm này. Trong dư vị tiếp chuyện giữa chiều, trong đầu hiện lên hình ảnh của nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa pa. Tôi càng dặn lòng, làm nghề gì, cũng phải yêu mới nghe thấy hạnh phúc…
Trong không gian ấm của bảo tàng thôn, thèm được biết thêm những câu chuyện hay về lịch sử, phong tục người Dao còn thực hành, về những cuộc kháng chiến, về những con người lớn lên từ Nặm Đăm. Cũng may nghe được nhiều chuyện khác về Nặm Đăm thời “chuyển mình” như những đổi thay trong tập quán sinh hoạt lạc hậu, về thói quen dọn dẹp nhà cửa, về những nhà vệ sinh được xây, về những homestay trong làng núi…
Các chị người Dao nấu cao Atiso bên bếp lửa chiều ngày đông
Từng tham quan nhiều bảo tàng trưng bày góc văn hóa cộng đồng các dân tộc nhưng sự thưởng thức, cảm nhận văn hóa chỉ dừng lại ở việc nhìn những bức tranh chụp lễ hội, những hiện vật được lồng kính có cảm giác xa cách. Ước gì, thêm nữa những bảo tàng như Nặm Đăm, chỉ bảo tàng thôn thôi, nhưng được nghe thấy tiếng thở văn hoá nằm sâu trong lòng cộng đồng. Chỉ cần như thôn Nậm Đăm, có những con người hiểu tình đất, tình người như người dược sĩ và có chén trà gừng ngọt mùi đất rừng…
Trần Minh Hợp