Miền ĐôngVùng Đất & Tạp Bút

Tạp bút: Chạy bộ trên nhà Giàn

Một ghi chép ở nhà dàn DK1, Trường Sa

Tạp bút đăng trên báo Tuổi Trẻ, năm 2012

Thời đại học, thích nhất môn Công pháp quốc tế, không chỉ cái tên nghe sang sang mà vì môn học rất đậm mùi địa lý, ngành khoa học mà tôi si mê từ tiểu học.

Nhà giàn DK1 giữa mênh mông biển Đông, ảnh Vnexpress.net

Đọc sơ nội dung trong mục lục giáo trình như: dân cư, biên giới lãnh thổ, hàng không, vũ trụ, giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới, ngoại giao lãnh sự, tổ chức quốc tế, nhân đạo quốc tế… đã thấy mùi cuộc sống ngập tràn và luôn tưởng tượng đến những chuyến trekking (du lịch khám phá bằng đi bộ) cùng trời cuối đất…

Khi học tới bài Luật biển quốc tế, mộng chu du gói ghém lại chỉ còn là việc lên tàu đi hết vùng biển thuộc chủ quyền đất nước tuần tự theo độ tăng của hải trình. Đầu tiên là vùng nội thủy, rồi đến lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và cuối cùng là đứng dưới cờ Tổ quốc ở thềm lục địa nhìn về quê nhà. Mơ thêm một điều… lớn lao nữa là được đứng ở rìa thềm lục địa, nhìn ra vùng biển cả, một vùng biển nằm ngoài các vùng biển thuộc phạm vi thẩm quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven biển.

Vùng nước mênh mông này là sở hữu chung của loài người, để ngỏ cho tất cả các nước trên thế giới, kể cả các nước không có biển. Trong vùng biển này, thuyền các nước có quyền tự do đi lại, tự do đánh cá… Vì biết rằng sau này mình không gia nhập hải quân, không làm thủy thủ tàu viễn dương hay ít ra cũng không làm được ngư dân đánh bắt xa bờ nên chỉ biết mơ chuyến đi kỳ vĩ ấy trong vô thực…

Chuyến đi kỳ vĩ ấy lại có thực khi một ngày được đi biển ra nhà giàn DK1, những gác canh dựng ở thềm lục địa phía Nam – những cột mốc chủ quyền lãnh thổ trên biển. Dù chẳng có thiết bị nào để đo đạc hải lý, xác định đích xác vùng biển mình đang lênh đênh nhưng trong lòng vẫn an tâm rằng tàu đi phải qua nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế mới đến được rìa lục địa, nơi nhà giàn vững chãi đứng. Tàu chạy giữa biển khơi, trong tầm mắt phóng cũng chỉ một màu xanh bềnh bồng, ngồi trên boong tàu nhớ về bài học biển thời đại học thấy trong lòng cồn cào nỗi nhớ…

Tàu đến nhà giàn trong sáng nắng biển êm, nếu biển không êm thì chỉ được ngồi canô ngắm nhà giàn, chứ việc leo lên sẽ vi phạm nguyên tắc an toàn trên biển. Vượt qua nỗi sợ chiếc cầu thang sắt thẳng đứng và tâm trạng lẻ loi trước biển mênh mông, tay tôi cũng chạm được bàn tay rắn rỏi của một người lính nhà giàn. Cảm giác đứng giữa trên cao biển khơi, thấy cờ nước bay, ngó những đàn cá bơi lộng lẫy như phim thế giới động vật và mắt hướng về phía tây, nơi Tổ quốc ở đó, như một giấc mơ…

Không có yếu tố thổ nhưỡng như các hòn đảo trên biển, nhưng vẫn thấy hơi thở xanh tươi thổi mát nhà giàn. Bao quanh, lính đảo trồng những luống rau muống, cải xanh, ớt chỉ thiên, lá mơ, chanh giấy… để cho những bữa ăn suốt với thịt hộp, cá câu biển đỡ ngấy và cũng một phần cho giống đất liền, cây cối đôi khi cũng mang dáng hình quê nhà.

Lính nhà giàn chẳng ngắm được những con đường, chẳng được đi quán uống cà phê, chẳng được thấy dòng sông và nhiều thứ chẳng được nữa, họ chỉ ngắm biển và biển, thỉnh thoảng là những con tàu lặng lẽ đi qua. Sức chống chọi với nỗi buồn của họ thật kỳ lạ. Hình như họ chống chọi bằng những điều quen thuộc như trồng rau, kho cá, trò chuyện đất liền, xem tivi và cả chơi thể thao…

Chơi thể thao trên nhà giàn, khi không có một mảnh sân và những con đường? Ngắm những đôi ba ta sạch sẽ như mới, không thấy dấu đất bụi, được xếp ngay ngắn ở mé trái nhà giàn, tôi tò mò trong xúc động khom xuống ngắm. Mỗi khi chiều, khi công việc hằng ngày hoàn tất, những người lính biển lại xỏ ba ta chơi những trò thể thao hữu hạn.

Thường là nhảy dây, vì môn không cần không gian. Một số chạy bộ men theo các hành lang chật hẹp, chạy lên xuống các cầu thang sắt và lòng vòng trên tầng thượng. Mỗi khi chuẩn bị chạy nhảy, cảm giác thèm đá bóng, đập bóng chuyền ở những mảnh sân quê nhà lại cồn lên mỗi người lính. Vì nhà giàn đâu có những mảnh sân, đâu có chỗ chôn trụ căng lưới…

Những bước chân chậm chạp và nhè nhẹ bởi nhà giàn không phải là những con đường để mọi người toàn tâm tung sức lực. Mục đích gần của chạy bộ trên nhà giàn là túa ít mồ hôi cho khỏe người, mục đích xa là cho đỡ nhớ đất liền, vì khi chạy bộ ai cũng nghĩ mình đang bước chân trên những con đường, có người ngược xuôi, hàng cây rụng lá và cả bụi bặm.

Phép tưởng tượng đôi khi cũng thật hữu dụng. Sự hòa trộn giữa vận động và cảm xúc luôn tiết ra những bài thuốc vô giá cho tinh thần, chữa nỗi cô đơn, nỗi buồn, và nỗi nhớ giữa trùng khơi xanh…

Trần Minh Hợp

River-borne /rɪv.ər – bɔːn/

Bài viết trước

Truyện ngắn: Tôi ngỡ mình như những luống cải xanh…

Bài viết tiếp theo

Bài liên quan