Truyện Mực Tím

Truyện ngắn: Tôi ngỡ mình như những luống cải xanh…

Truyện ngắn đăng báo Áo Trắng, năm 2009

Rớt đại học, tôi viết đơn xin đi nghĩa vụ quân sự theo ý của ba. Thực tế, tôi có quyền từ chối giấy gọi của chính quyền với lý do ôn thi đại học nhưng tôi thử thương ba  một lần. Với lại, sau khi giải ngũ, tôi sẽ có trong tay 2 điểm ưu tiên đại học cho đối tượng chiến sĩ nghĩa vụ, thêm 1,5 điểm “ngu” cho vùng heo hút. Cơ hội vào đại học sẽ rộng mở hơn, dù tôi sẽ phải là một sinh viên già. Những con điểm làm tôi cảm thấy quyết định của mình không quá liều lĩnh. Mười tám tuổi, tôi sẽ trở thành người lính. Tôi sẽ đối mặt với quá nhiều điều mới mẻ, có thể là thú vị cũng có thể là nhàm chán…

Với lá đơn tự nguyện, tôi được nhìn với cặp mắt “ưu ái” của những người tuyển chọn quân cho mùa nghĩa vụ quân sự năm nay. Quanh tôi, những chàng trai trong xã thân quen. Người hồi hộp, người lo lắng, người sợ sệt “bị” chọn. Có ông, người to khỏe mà mặt mày tái mét, xám xịt. Còn tôi, chẳng bộc lộ một cảm xúc nào rõ nét. Sau những vòng cân, đo khá kĩ lưỡng, tôi được chọn. Tôi được đi theo dạng lính hàm xanh. Còn lính hàm đỏ, theo tôi, sang hơn một tí. Tôi cũng chẳng quan tâm, dù gì thì hai năm sau tôi cũng được giải ngũ, về quê, thi đại học, sống cuộc đời của một công dân bình thường. Trong đầu tôi, bắt đầu hiện lên một cảm giác lạ lùng, không vui mà cũng chẳng buồn, có cả một chút bồn chồn. Theo lịch trình, tôi được huấn luyện tại một trung tâm quân sự trong vòng ba tháng ở một vùng ngoại ô, thưa dân của thành phố. Sau đó, mới đi làm nghĩa vụ quân sự ở một nơi nào đó, mà tôi cũng chưa biết và gắn cuộc đời lính hàm xanh ở đó cho tận đến khi xuất ngũ. Mọi thứ trước mắt tôi trắng như tờ giấy. Những cuộc viếng thăm liên tục của bà con, chòm xóm và cả mấy đứa bạn đậu đại học làm tôi cảm thấy hơi thiếu tự nhiên. Cứ như là, tôi đi mãi, không thèm về. Mười tám tuổi, tôi chứng kiến nhiều thứ quá đột ngột và bất thường.

Đêm trước khi tôi đi, nhà tôi mở tiệc tiễn tưng bừng. Cứ như, tôi đi chỉ là một lý do viện dẫn cho buổi tiệc. Mọi người đến chia tay, dặn dò và cho tôi cả tiền. Tôi gom cũng được một khoảng kha khá làm hành trang cho những ngày dài tiếp theo. Má đi chợ, mua biết bao nhiêu là thứ xà bông, bánh kẹo, quần đùi, áo thun… nói chung đảm bảo cho tôi sống một cuộc sống thiết yếu và thoải mái  trong trại lính. Tối đó, má ngồi khóc. “Con có đi luôn đâu mà má khóc dữ vậy?”. Dù gì, ngày mai xa nhà, tôi cũng hơi buồn…

Tôi được phát quân phục và những món đi kèm như ba lô, giày, mũ… ngay sáng hôm đó. Bộ đồ màu xanh quá khổ so với tôi. Tôi bước đi một cách từ tốn. Vào  chỗ tập luyện, việc đầu tiên của tôi là sẽ  tìm chỗ sửa quân phục sao cho vừa vặn và thoải mái. Ngày tiễn đưa rầm rộ hơn tôi tưởng. Người đi, người ở bịn rịn không dứt. Nước mắt nước mũi chảy tong tong. Nhưng đó là những cảm xúc thật sự. Tôi thật sự trân trọng và cảm động. Tôi đi nhờ xe của anh hàng xóm cũng trúng tuyển nghĩa vụ đợt này và không cho ai trong nhà đi ra tiễn. Mọi người thất vọng nhưng vẫn tôn trọng quyết định của tôi. Tới nơi, tôi chui tót vào xe quân sự. Qua kính xe, tôi vẫn thây bóng ba mẹ khuất trong đám đông. Vậy là tôi khóc. Đã bảo nhất quyết phải cứng cáp, con trai mười tám tuổi mà khóc thì kì lắm. Xe chuyển bánh một cách chậm chạp, người trên xe, người dưới đường phe phẩy tay nhau. Một cuộc sống mới đang chờ tôi phía trước. Cuộc sống của lính hàm xanh. Mười tám tuổi, tôi không thành sinh viên mà thành anh bộ đội…

Xe đổ xịch trước cổng của trung tâm huấn luyện quân sự. Ngôi nhà ba tháng của tôi là đây. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cái kẻng to tướng, lâu lâu lại có người đến gõ. Hình như là thứ để báo hiệu. Tôi được phân về A2 B3 C1. Những kí hiệu loằng ngoằng. Mãi sau này tôi mới biết kí hiệu đó là quy ước tương ứng với  vị trí của tôi, tức là tiểu đội 2, trung đội 3, đại đội 1. Súc tích và thú vị. Tôi tìm nát trung tâm huấn luyện cũng không tìm thấy một chỗ sửa quần áo nào. Đành mặc bộ đồ quá khổ trong những ngày tiếp theo. Hi vọng, tôi sẽ mập lên khi vào lính như lời mọi người vẫn đồn đại. Lúc ấy, tôi sẽ mặc vừa vặn bộ quân phục và nhìn tướng tá sẽ rất hoành tráng.

Tiểu đội hai của tôi được phân vào một căn phòng khá rộng nhưng hơi thấp vì đặt giường tới ba tầng. Tôi chậm chân nên phải ì ạch leo lên cái tầng ba của cái giường trong hốc. Một chỗ khá tối để đọc truyện và ôn bài thi nhưng khá lý tưởng cho những giây phút riêng tư. Tôi ngủ thiếp đi vì đã thấm mệt. Trước khi ngủ, tôi phải học thuộc những nội quy lùng nhùng và đặc biệt là những mốc thời gian quan trọng: thức dậy, ăn sáng trưa chiều tối, tập quân sự và ngủ. Những bảng thời gian biểu được đóng khung hợp lý nhưng cũng quá sức với tuổi mười tám bay nhảy của tôi. Tôi nhận thấy, phía trước không dễ dàng như tôi nghĩ và tôi phải cố gắng thật nhiều, không chùn bước. Tôi phải bắt đầu làm quen với cuộc sống ở đây, thật khó khăn nhưng dần dần cũng khá ổn.

Ám ảnh nhất đối với tôi là việc xếp nội vụ (chăn, màn) mỗi sáng thức dậy. Tôi chưa bao giờ xếp vuông vức và bị ghi tên liên tục. Những đứa trong phòng cứ như thể đã được đào tạo rất bài bản về kĩ năng này. Nhìn nội vụ của bọn nó mà mát rượi con mắt. Còn nội vụ của tôi: xúc phạm người nhìn ghê gớm.

Tôi thở dài, thấy mình thật nhỏ bé.

Một ngày của tôi kéo dài và kín mít những hoạt động.

Những bài tập quân sự, đôi lúc quá sức đối với tôi. Những đêm dài, tôi ngỡ như mình đang bị vỡ ra, những khớp xương đang giòn đi và có thể gãy bất cứ lúc nào.

Tôi không thể đụng tay đến sách vở dù trong lòng rất muốn. Một ngày bắt đầu bằng những động tác thể dục nhẹ nhàng như vặn mình, hít thở sau đó là la liệt ở thao trường với lăn, lê, bò, trườn và những động tác võ nghệ. Mồ hôi tuôn bết đầy bộ quân phục, loang lổ nước. Buổi chiều trồng rau tăng gia. Buổi tối làm bạn với những bài học chính trị khổ, khô và khó. Những ngày cuối tuần, có khi tôi phải lao vào bếp ăn tập thể, tự nấu ăn cho cả tiểu đội, vì đây cũng là một nội dung huấn luyện. Tất nhiên, đó là những bữa ăn không ra trò trống gì, cơm sống nhăn và món cải bẹ xào nhão nhoẹt. Những ngày trôi qua như những thước phim cũ kĩ và lặp lại. Cơ thể tôi bắt đầu có những chuyển biến dễ chịu. Những chổ ê ẩm giờ có vẻ đã êm dịu trở lại. Hằng đêm, tôi có thể lôi sách vở ra ôn luyện cho kỳ thi đại học trong tương lai. Nói chung, tôi đã sống khá bình ổn.

Một điều đáng lưu tâm nữa là những bữa ăn trong nhà ăn tập thể. Tôi bị thiệt thòi vì ăn quá chậm. Những người bạn trong tiểu đội vèo một cái đã tới chén thứ ba, còn tôi vẫn đang hì hục ở chén thứ nhất.  Chỗ thức ăn, vừa lo lùa cơm vào miệng, ngẩng mặt lên đã vơi tới đáy đĩa. Những ngày đầu, tôi đều lặn lội xuống căn tin mua bánh mì và mì tôm nạp vào cho đỡ đói. Điều này lý giải vì sao, nhiều đứa trong phòng đang có dấu hiệu mập lên vì hạp cơm lính còn tôi thì hình như đang bị sút cân trầm trọng. Những bữa cơm tập thể tiếp theo, tôi có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn không là cái đinh, cái tâm gì so với những đứa còn lại. Lúc này, tôi thèm những bữa cơm nhà kinh khủng. Toàn những món mình thích, chả ai giành phần và được ăn một cách thong thả. Những hình ảnh về gia đình cứ ồ ạt trôi trong đầu tôi. Tôi giật mình, đã lâu lắm rồi, tôi không viết thư về thăm nhà. Trong phòng, thư đi thư lại nhiều vô kể. toàn ướt át và đậm chất sến. Thư nhà cũng nhiều nhưng thư tình thì nhiều hơn. Thi thoảng, tôi thấy những giọt nước mắt rơi trên những lá thư và cây đàn ghi ta dựa vào thành giường – hình ảnh mẫu mực về một góc lãng mạn của đời lính. Tất cả hằn sâu trong tôi, như một ký ức đẹp. Tất cả quá mới mẻ đối với tuổi mười tám của tôi.

Viết xong những dòng thư cuối cùng cho gia đình, tôi lại bồn chồn cho buổi bắn súng đạn thật tại thao trường sáng mai. Mười tám tuổi, người ta có quyền sợ tiếng súng. Nhưng người lính thì không được sợ tiếng súng. Không biết, tiếng súng thật nổ như thế nào? Có giống hệt trong phim hành động không? Không biết, ngày mai khi bóp cò, tay tôi có run hay không? Không biết đạn có bay thẳng vào bia hay không? Những câu hỏi lờn vờn làm tôi không tài nào ngủ được. Những đứa khác, cứ háo hức bàn tàn về súng ống dù chúng cũng chưa bao giờ chứng kiến những buổi bắn thật. Dù gì đi nữa, buổi bắn súng cũng đã bắt đầu. Tôi bắn lượt đầu tiên vì tên tôi bắt đầu bằng chữ A. Một sự sắp đặt làm tôi lo sợ nhưng cũng thích thú vì mình sẽ nghe tiếng súng đầu tiên từ chính viên đạn do mình bắn. Tôi hít một hơi thiệt dài cho những hồi hộp tiêu biến. Tôi gắn hộp tiếp đạn một cách khá khớp, tì súng vào vai, nheo mắt và nhắm bia. Ngón trỏ tôi chạm khẽ vào cò, một cách từ tốn.

“Bùm!”, tiếng súng nổ, rền rền, nó êm tai hơn tôi tưởng. Bán súng bị hỏa lực giựt ngược vào bã vai tôi đau điếng nhưng tiếng súng nổ là liều thuốc an thần kịp thời, xoa dịu cái đau một cách hữu hiệu. Phát súng đầu tiên thành công, không một lỗi kĩ thuật nào. Hai phát súng còn lại cũng diễn ra tương tự. Tôi thèm được bắn thêm phát thứ tư, thứ năm nhưng đã hết lượt. Một khoái cảm dâng lên trong não. Tiếng súng vẫn nổ đều đều trên thao trường. Số điểm bắn súng của tôi cao nhất trung đội. Tôi phát hiện ra mình có năng khiếu bắn súng. Điều này làm tôi cảm thấy mình bắt đầu có “cơ” trong phòng, mấy tiếng xì xầm về súng ống đột nhiên im bặt, thay vào đó là những lời khen. Tôi đọc được trong những lời khen đó có một chút đố kị. Ý nghĩ đó làm tôi rất vui. Tôi cứ mong chờ sớm đến ngày đi bắn súng, càng nhanh càng tốt…

Những ngày dài và khu huấn luyện quân sự vẫn không có những thay đổi khác lạ. Tôi thích những ngày cuối tuần ở đây. Chúng tôi được thoải mái với những quy định, được nhìn thấy cảnh thăm thân nhân và thao trường vắng hoe. Nói chung, một ngày cuối tuần thì luôn tuyệt vời, dù bất cứ ở đâu. Tôi bước ra sân, làm vài động tác thể dục theo thói quen dù không có sự bắt buộc nào cả. Sau đó, hứng chí tôi xỏ đôi ba- ta, chạy quanh khu huấn luyện.

Mặt trời lên cao, ửng nắng, nuốt chửng không gian bằng một màu ấm áp. Trong lòng tôi, trào dâng một cảm giác ấm nóng và thôi thúc. Tôi muốn hét thật to vì không muốn kìm hãm cái cảm giác tuyệt vời ấy. Tôi vòng qua khu vườn của doanh trại, những luống cải đang trổ xanh mướt, bóng mẩm. Nhìn chúng thật tươi tốt. Tôi muốn ngã lưng trên những luống cải, êm như nhung. Tôi ngỡ mình như những luống cải xanh, đang vươn lên đón nắng, đón những ngày trong xanh và kì lạ của tuổi mười tám.

Mười tám tuổi, tôi sẽ trở thành người lính…

Mười tám tuổi, tôi chứng kiến nhiều thứ quá đột ngột và bất thường…

Mười tám tuổi, mà khóc thì kì lắm…

Mười tám tuổi, tôi không thành sinh viên mà thành anh bộ đội…

Mười tám tuổi, người ta có quyền sợ tiếng súng…

Mười tám tuổi, tôi ngỡ mình như những luống cải xanh…

Trần Minh Hợp

Tạp bút: Chạy bộ trên nhà Giàn

Bài viết trước

Truyện rất ngắn- Nền Nhà

Bài viết tiếp theo

Bài liên quan