Miền TâyVùng Đất & Tạp Bút

Tạp bút – Bóng cây bánh mì

Một câu chuyện ở Bến Tre… ( Tạp bút đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần)

Với kiến thức cây cối chật hẹp cùng cái nhìn còn chưa tỏ trong những ngày ít ỏi dọc ngang phố phường, cũng như lui tới mấy mái chùa và nhà thờ im vắng, thì sa kê tựa hồ một bóng cây xa lạ.

Tên cây phảng phất mùi thiền, hình thái lá mang dáng dấp của những câu chuyện thanh nhã nhưng kỳ bí phương Đông. Trái sa kê nung núc rụng đầy gốc bên phố, phác lên một thước cảnh về những vô dụng của đời cây.

Cứ thế, lòng cứ hững hờ với những bóng cây sa kê…

Một bữa sáng, tình cờ đi vô đồng sâu vùng châu thổ miền Tây, nhẹ lòng dưới tán tàu dừa xanh màu mỡ và con đường bùn sau mưa hẹp quanh co đặc trưng của miền đất, nghe câu chuyện về hàng cây sa kê gãy trong bão mới nhận ra những đời cây thiêng liêng.

Cơn bão hồi đầu năm đổ vào đất liền miền Nam đã để lại những mất mát sâu hoắm ở một cảnh sống đơn lẻ. Ngôi nhà nghèo tốc mái và bức vách ván mục bị gió nạy rớt từng miếng tan hoang. Mảnh vườn yên ả bên mương nước, tả tơi đổ ngã, để lại những trơ trụi. Mất mát dằn sâu trong lòng gia đình đang đuối kiệt là hàng sa kê trải qua năm đời người, bị bão bứng gốc, ngã ngổn ngang bên mương.

Hàng sa kê là tài sản trên đất truyền đời qua các thế hệ trong gia đình như một hàng cây gia bảo. Đời cây trăm năm chứa nhiều đoạn sử thiêng liêng về những đời người ruột thịt. Hàng sa kê gia bảo không chỉ là nguồn sống lớn nhất trong những vụ trái mà còn là chứng nhân để hoài niệm với quá khứ gia đình, để nhìn vào bóng cây nhớ tổ tiên từng sống ở nhúm đất châu thổ này.

Từ câu chuyện về đời cây sa kê mới thấy loài cây đã mọc từ lâu trên nền thổ nhưỡng bản quán thuộc vành đai khí hậu nóng ẩm, và sa kê không còn là đời cây vô dụng như tin tức lưu trong vỏ thùy não… Trong dòng lịch sử loài cây, quả sa kê từng được người dân Hawaii làm lương thực chống chọi với những cơn đói ngoài đảo xa, tựa những ổ bánh mì nồng thơm và đặt tên cho sa kê là cây bánh mì.

Đoạn chuyện về cây sa kê làm nguồn cứu đói tưởng như xa ngái, giờ hiện hữu ở cảnh sống thời hiện đại, trong chính ngôi nhà nép dưới hàng sa kê gia bảo. Bóng cây tựa bóng bánh mì, mang mùi vị sống sót đến gia đình ba đời mỏng yếu: một cụ bà, một người mẹ bảy năm mất sức lao động, hai cô con gái và một đứa con trai nhỏ.

Hàng sa kê đổ, liên tục nhiều bữa ăn trong nhà không gạo, chỉ là cơm dừa khô nạo từ những trái bị chuột khoét trộn với đường thẻ và chuối, món ăn lạc thời giữa ngày hiện đại.

Hàng sa kê đổ, không còn mùa trái nào để bán, người mẹ vói rọc từng tàu lá chuối bán cho những người nấu bánh, gầy gò leo trên những cây xơri với tì cánh tay gãy yếu để hái thuê kiếm tiền.

Hàng cây sa kê đổ, cụ bà 83 tuổi vẫn là cột trụ của gia đình. Mỗi ngày, bà ngụp lội ngập mình mẩy trong mấy giờ đồng hồ, ướt lạnh dưới mương nước mò ốc. Mực nước đục bùn táp nhẹ lên tới cổ gân guốc lúc bà nghiêng người mò tay xuống đáy mương tìm ốc. Lúc run người, tay chân bị vọp bẻ, tê nhức do cóng, bà lên bờ gom những tàu lá dừa, lá chuối khô trong vườn đốt hơ (ảnh). Khi trong người bắt đầu ấm lại, bà trở lại mương mong kiếm đủ một rổ ốc lưng lưng. Màn khói từ đống lá như màn buồn kéo suốt đời bà…

Mỗi đầu khuya, bà lủi thủi trong sương lạnh, lội bộ hơn chục cây số đến ngôi chợ thị xã bán số ốc ít ỏi mò được ngày hôm qua. Bán hết ốc trong rổ tre, bà chạy đến mấy sạp lớn mua lại mớ rau hành, ngồi bán đến tận trưa để kiếm thêm chút tiền lời lẻ. Giữa trời đứng nắng, bà lội bộ về, tay xách ít mắm tương, khô cá, bữa ăn chiều của bà và con cháu.

Trước khi rời mái nhà, nhìn thấy một chồi xanh nẩy lên từ thân cây đổ, bỗng nghĩ đến những bóng sa kê mới, những bóng bánh mì mới sẽ che gia đình, tỏa mùi no lòng cho quãng sống còn ngắn ngủi của cụ bà.

Trở về phố phường, lại thấy những trái sa kê rụng đầy gốc, tự dưng muốn nhặt lên và chở đến cho cảnh sống nghèo đã mất bóng cây.

Trần Minh Hợp

Truyện ngắn: Ola dưới tán rừng mùa hè

Bài viết trước

Tản văn – Trăng phố

Bài viết tiếp theo

Bài liên quan