Truyện đăng trên báo Thanh niên (tuần san)
ảnh: Sông Hoài, nguồn: medium.com
Nhà tôi dọn về Hội An theo ước nguyện của bà nội. Đơn giản, bà chỉ muốn sống những ngày cuối đời trên mảnh đất thanh xuân của mình. Vả lại, từ lâu cả nhà ai cũng thích về Hội An, một cuộc sống yên ả và không náo nhiệt. Hít khói bụi thành phố bấy nhiêu cũng đủ rồi. Ba chuyển cơ quan, mẹ chuyển trường dạy, anh chị em tôi chuyển trường học. Tất cả xong xuôi, cả nhà quyết “đánh” xe về Hội An. Ba mẹ tôi mua nhà ở sát khu phố cổ còn căn nhà trong khu phố cổ xưa nay thì dành riêng cho nội. Từ ngày ba mẹ rước nội lên thành phố, căn nhà chỉ nhờ người ta quét xướng, không một bóng người. Giờ đặt chân trước cửa nhà, nội rưng rưng muốn khóc. Trước nhà nội, giàn cát đằng vẫn nở. Hoa vẫn chưa phai màu…
Nội biểu tôi ra lau chiếc lồng đèn đỏ trước cửa. Bụi lồng đèn bay ra như bụi kí ức. Tôi bồi hồi, một cảm giác thiêng liêng và xưa cũ. Tiếng cửa kèo kẹt va vào không gian màu rêu cổ kính. Tôi bó gối ngồi trước hàng hiên nhà. Thành phố trong mơ của tôi là đây, tôi nghĩ, cuối cùng mình cũng tìm ra. Tôi lấy tay vọc chậu hoa súng tím đầy nước nhà bên cạnh. Hoa súng nở những cánh ngay ngắn, tròn xoe và tím tươi. Cánh hoa sạch sẽ, không vướng một hạt bụi. Từ đó, tôi chẳng thèm về nhà, ở luôn trong phố cổ với nội.
Độ đầu chiều, tôi ra đứng trên chùa Cầu, nhìn ra sông Hoài, ngắm những đứa trẻ con chơi đùa. Tôi thích ngắm nhìn ngôi nhà có cửa lửng gần sông Hoài. Có cô con gái vào rồi ra, cũng buộc tóc lưng lửng như cánh cửa. Màu vàng của nắng rãi đều lên những bức tường vôi vàng loang lỗ rêu xanh, êm mượt như nhung. Bóng người trong phố đổ nghiêng nghiêng theo bóng lá bàng.
Sông Hoài mùa này cạn nước, mấy chiếc ghe có mái vòm cứ nhẹ nhàng, từ tốn trôi đi, gợi lên một thương cảng của một thời vang bóng. Gió thổi gợn lên những con sóng nhẹ, xô nhau trên dòng chảy. Dọc bờ sông, những quán Tây mọc lên san sát. Tây nhưng vẫn gợi một sự hoài cổ, đậm nét. Người nước ngoài ra vào đông kín quán nhưng lúc nào cũng im lìm như con phố ngủ trưa. Mấy quyển thực đơn bành trướng trước cửa mỗi quán làm tôi tò mò, thích thú nhưng chưa bao giờ dám lại gần. Hội An, cũng còn chút gì đó lạ lắm đối với tôi…
Người nước ngoài đã trở thành một bộ phận dân cư “tạm trú” không thể thiếu ở phố cổ, họ đến đây khá đông đúc và đi nhan nhản khắp các ngõ phố. Thỉnh thoảng, thấy tôi ngồi bó gối trước hàng hiên nhà, họ cười và nói “chào Việt Nam, chào Hội An!”. Tôi cười đáp trả một cách hồn nhiên và không hề do dự. Hằng ngày, như một thói quen, tôi ngồi chờ những nụ cười đến từ người ngoại quốc như một niềm vui lớn lao. Nhiều lúc tôi ước mình là anh chàng châu Âu tóc xoăn vàng, anh chàng châu Mỹ có chút gì hơi Ăng lê, hay anh chàng châu Phi có bộ răng trắng bóc thậm chí là anh chàng Hàn Quốc mắt hí. Nhưng tôi nhận ra, làm anh chàng Hội An chính gốc có vẻ là một quyết định và một ước mơ đúng hướng, chân thật. Cô gái nhà có cánh cửa lửng vẫn đi ra rồi đi vào…
Tôi bắt đầu để ý đến cô gái khi mỗi buổi chiều lên chùa Cầu ngắm phố cổ. Cô gái buộc tóc lửng bước ra từ ngôi nhà có cánh cửa lửng trở thành một phần của phố cổ trong mắt tôi những buổi chiều. Cô gái có vẻ lớn tuổi hơn tôi nhiều, nhìn bộ đồ may cầu kì cô ấy mặc là biết. Cô còn kẹp lên hai bên mái tóc mình hai cây kẹp nhỏ, đủ vén lên gọn gàng. Một hình mẫu của những cô gái thời thập niên 70, 80. Cô hay mang đôi guốc quai màu cỏ úa. Tiếng guốc chạm khẽ nhẹ vào bậc tam cấp xi măng của ngôi nhà tạo thành âm thanh của một thời xa vắng.
Cô hay đứng ngắm sông Hoài, hai tay cô gọn gàng trong hai túi áo nhỏ. Gió thổi man mác, tốc những sợi tóc cô lững lờ bay như nước trôi. Cô vén những sợi tóc qua mang tai, dịu dàng. Lá bàng chao nghiêng rơi sau lưng. Cô trở vào nhà, nét mặt gợi lên một sự u buồn. Cô khép cửa. Cánh cửa khép rồi vẫn lửng…
Cánh cửa khép lại, trời cũng đã sập tối, tôi cũng về nhà. Cô gái đối với tôi vẫn là một bí ẩn. Hội An đối với tôi cũng còn nhiều bí ẩn. Những buổi chiều kế tiếp, cánh cửa lửng vẫn mở rồi khép, cô gái cũng bước ra rồi vào…
Một buổi chiều, tôi xuống bờ sông, chân mang đôi dép nhựa trắng, quần cộc, áo ba lỗ. Một cảm giác êm dịu lan trong gót chân. Con đường từ chùa Cầu xuống bờ sông lặng tanh, không một người đi. Tôi đứng dựa vào cây bàng cổ thụ sát mép sông. Mấy quả bàng lăn tăn rụng, cuộn tròn lọt thỏm xuống sông. Cô gái cũng bước ra bờ sông. Mục đích của tôi ra đây cũng bao nhiêu đó. Tôi hồi hộp khi cô gái đi sát lại. Môi tôi mím chặt để giữ mình khỏi té ngã vì run. Gương mặt cô vẫn u buồn, gợi sự tò mò nhưng mơ hồ. Hôm nay, tôi sẽ không hỏi một điều gì cả. Tôi chỉ đứng yên như một người đến không có chủ đích.
“Có phải cậu là cậu trai hay đứng trên chùa Cầu vào mỗi buổi chiều không? Đúng không ri?” – Cô gái đột nhiên hỏi làm tôi giật mình đến gần như ngộp thở.
“Dạ phải.” – Tôi gật đầu và nhìn thẳng vào đôi mắt của cô gái. Một đôi mắt đẹp thần sầu và sâu. – “Có chi không chị?”
“Tôi nghĩ, cậu nhìn tôi!”
Bất giác tôi nghĩ hành động của mình quá lộ liễu đến nỗi để người ta phát hiện ra. Tôi từ chối sự khẳng định của cô gái cho dù điều đó hoàn toàn đúng.
“Không. Em nhìn sông Hoài!”
“Cậu nhìn tôi!” – Cô gái quả quyết. Mắt rưng rưng.
“Không, em nhìn sông Hoài” – Tôi cũng quả quyết…
“Tôi biết cậu nhìn tôi mà, cậu cứ chối đây đẩy”
“Không. Em chỉ nhìn sông Hoài”
Cô gái bật khóc. Đi ngược vô nhà, khép cửa. Tất cả đóng lại trước mặt tôi như một thước phim đã đến tập cuối. Tôi đứng trước cánh cửa lửng, tiếng khóc vẫn va vào cánh cửa, tạo nên một tạp âm đủ làm náo động dãy phố vốn im lìm. Tôi ngơ ngác nhìn vào, lòng như nổi sóng và mơ hồ cảm giác. Một người đàn bà trung niên, nói khẽ vào tai tôi:
“Con gái nhà ấy cứ độ này là khóc, mấy năm nay rồi, từ cái độ nhà ấy bỏ xứ đi”.
“Dạ, Bây giờ cô ấy sống một mình hả dì?” – Tôi hỏi.
“Ừ, cô đơn lắm!”
“Sao cô gái không đi mà ở lại?”
“Nó không muốn rời phố cố. Nhà này hồi đó là tiệm buôn lớn. Lỡ vận nên phải bỏ xứ đi.”
“Bây giờ cô ấy sống bằng gì ạ?” – Tôi gặng hỏi để giải tỏa những thắc mắc bấy lâu.
“Tôi cũng rõ lắm, nhưng không có vẻ gì là nghèo đói, nghe đâu gia đình gửi tiền thường xuyên. Nghe nói họ sang bên tàu. Cái nghề hồi đó ở đây đói nhưng qua bên đấy lại phất. Nhưng cô ấy rất cô đơn cậu à, cô ấy muốn được ai nhìn thấy và gọi tên”.
“Người phố cổ không ai nhìn thấy cô ta?”
“Có nhưng chẳng ai gọi đúng tên cô gái. Ở phố cổ, đâu ai biết tên thật của cổ. Cô ấy vẫn nghĩ chẳng ai nhìn thấy mình.”
Tôi đứng tần ngần trước cánh cửa lửng. Chắc bây giờ cô gái buồn lắm. Tôi đã làm một việc độc ác là nói không nhìn thấy cô ấy. Tôi đã giết chết hi vọng của cô gái đang ngộp thở vì cô đơn. Tôi đứng đó rất lâu và quên mất việc về nhà phụ nội làm việc nhà. Mấy chiếc ghe trên sông Hoài đã lên đèn, có tiếng gì lua khua trên sông, khoáy động buổi đêm phố cổ. Âm thanh cứ dai dẳng không dứt. Tôi qua chùa Cầu về nhà với nội. Tôi rúc vào người nội. Nội kể tôi nghe chuyện phố cổ. Như bao người con gái phố cổ khác, nội rất yêu sông Hoài, làm tôi dậy sóng nghĩ ngợi về cô gái. Tôi đã từng nghe một người nói “trốn để được tìm thấy”. Cô gái thì khác, đứng để được nhìn thấy và được gọi tên. Ước gì, tôi được gặp cô gái và nói em đã nhìn thấy chị, rất rõ.
Cánh cửa lửng mấy ngày đã khép lại…
Ảnh: nhà Hội An; https://esence.travel/essence-in-vietnam/
Tôi vẫn ra đứng ở chùa Cầu vào những buổi chiều, ngắm phố cổ, ngắm sông Hoài vẫn trôi. Dòng sông đã trở thành nỗi ám ảnh không dứt, miên man chảy trong phố cổ và trong lòng tôi, chảy vào cả những giấc mơ. Tôi nhìn về phía ngôi nhà có cánh cửa lửng, vẫn im ỉm khép. Cô gái giờ vẫn cô đơn. Nỗi u buồn của cô gái cứ bám đuổi theo tôi những buổi chiều. Lòng tôi như có một làn sóng chạy xoẹt ngang. Tôi chạy vội xuống phố, xuýt vấp phải thanh chắn xe trên chùa Cầu. Tôi gõ mạnh cánh cửa, gọi lớn:
“Chị Hoài, chị Hoài!” – Không hiểu vì sao, tên Hoài cứ hiện lên trong đầu tôi, rõ nét.
Cánh cửa mở toang một cách vội vàng, cô gái nhìn chằm tôi. Đôi mắt u buồn của chị rưng rưng:
“Cậu đã nhìn thấy tôi?”
“Em đã nhìn thấy chị rồi, gọi tên chị nữa, chị Hoài!”
“Ừ, tôi đã được nhìn thấy!”
Chị dẫn tôi vô nhà, căn nhà đặc trưng của phố cổ. Tôi thích cái giếng cổ ở gian nhà sau, nước trong vắt và chiếc gàu múc nước dấy lên trong tôi một tình yêu phố hoài rõ nét. Chị trước mắt tôi nguyên vẹn như những ngày đầu tiên tôi (tìm) thấy chị: Tóc buộc lửng, mái tóc vén, đôi mắt u buồn… Chị ngã đầu vào vai tôi, kể chuyện. Tiếng tu huýt của bọn con nít rít lên giữa phố cổ. Chị đốt lồng đèn. Ánh sáng nhẹ len qua gian nhà cổ. Cánh cửa gổ lững đưa vào rồi ra.
Sông Hoài vẫn chảy êm đềm như cuộc sống ở đây…
Trần Minh Hợp