Bình ThuậnVùng Đất & Tạp Bút

Tạp bút – Đường ra mả

Tạp bút đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần, năm 2010

Đường ra mả của người Hiệp Phước

Suốt mấy năm đại học, ba chưa bao giờ gọi điện cho tôi. Vậy mà một tối tự ba bấm số gọi vào di động của tôi, ba bảo làng mình có một con đường, người trong làng tự làm để đi ra giồng (quả đồi sau bưng điền) để đi chôn người chết. Con đường đó là mồ hôi, là tiền của cả làng, là sức mạnh…

Một sáng, khi sương còn lờ mờ xóm làng, tôi đạp xe men theo con đường. Trời lạnh, nhưng lòng rất ấm.

Đó không phải là một con đường nhựa hay con đường rải sỏi đỏ mà chỉ là một con đường đất cát như những con đường làng khác. Chỉ khác ở chỗ là con đường dẫn ra quả đồi phía sau cánh đồng làng, nơi chôn cất những người đã khuất trong làng. Mọi người gọi con đường với cái tên dung dị, đúng với hướng lưu thông của nó: đường ra mả.

Một con đường tầm thường trong mắt những người xứ lạ nhưng đó là mong muốn của bao đời dân làng. Người chết khi còn sống cứ canh cánh nỗi lo về con đường ra mả có bằng phẳng, có làm khổ những người khiêng hòm khi băng qua những bờ trơn trượt và gai trinh nữ mọc um tùm? Người sống thì cồn cào, không biết người đi có yên lòng nhắm mắt xuôi tay khi ra nơi yên nghỉ cuối đời.

Ngày lên năm, tôi theo cha đi giẫy mả trong những ngày giáp tết, qua những bờ ruộng hẹp, chốc chốc tôi lại lọt xuống ruộng, bùn lấm lem mặt mày. Tôi nắm tay đi theo cha và nói: “Sao người ta không làm một con đường ra mả hở ba? Con không phải dơ hầy như thế này. Con không thích dơ hầy ra mả”.

Con đường ra mả còn là một giấc mơ của những đứa trẻ làng. Đó còn là con đường đến những chùm nổ, thị rừng, chà rang, bồ quân trên giồng…

Những ngày miền Trung mưa dầm dề. Tiếng nhạc đám ma ì èo, giọng thầy liệm não nề. Tiếng khóc trộn vào tiếng mưa nghe đến nẫu ruột. Những thanh niên to khỏe của làng khiêng hòm đi dưới mưa men theo con mương và những bờ ruộng chông chênh. Đoàn người đưa tiễn phía sau phủ lên cánh đồng màu tang bạc trắng, ướt át, bùn ruộng bắn lên dơ bẩn. Cảnh tượng thê lương hơn bao giờ hết. Đám ma đã buồn càng thảm hơn. Nói đi nói lại cũng chuyện con đường ra mả.

Trí thức trong làng đệ đơn lên mấy cấp. Cán bộ thấy cũng chính đáng nhưng khi xuống làng lại lắc đầu ra về, chi phí quý này rót xuống chỉ đủ cho mấy công trình trọng điểm. Đơn của làng xếp hàng năm trời… Cả làng chờ đến sốt ruột, thôi thì tự làm vậy. Ai có tiền góp tiền, có cát góp cát, có cây góp cây, có người góp người…

Cái khoản chi phí ở trên lắc đầu vì không thể thì nay đã thành có thể với những đồng tiền dành dụm, chắt chiu của dân làng. Cũng mấy chục triệu chứ ít ỏi gì. Có con đường để đi ra mả cũng mát lòng mát dạ, thấy tiền bỏ ra không uổng những ngày tằn tiện. Những ngày dài trên cánh đồng, không khí như trên một công trình trọng điểm đang kề cận giờ nghiệm thu.

Con đường làm xong dài hun hút, uốn lượn giữa cánh đồng xanh ngắt, nhìn xa xa đẹp lắm…

Cuốc, xẻng, xuổng, xe trâu, xe bò, cưa, đầm và người cả làng đổ cả ra đồng. Đàn ông chở cát, đàn bà hốt cát đi rải, mua trà đá, nấu mì gói, con nít ngồi trên cây dừa để thợ cưa dễ cưa… Mấy hàng dừa trong làng lưa thưa dần, thôi kệ, dù giá dừa xiêm bữa nay cũng cao dữ lắm.

Con đường làm xong dài hun hút, uốn lượn giữa cánh đồng xanh ngắt, nhìn xa xa đẹp lắm…

Những đám ma đầu tiên trên con đường mới. Người đi đưa về bảo bữa nay đi đám sướng chân lắm tụi bây ơi…

Đường ra mả đâu chỉ là con đường đưa người đã khuất…

Tập truyện ngắn – Cô gái bán ô màu đỏ

Bài viết trước

Truyện ngắn – Cây dâu tình bạn

Bài viết tiếp theo

Bài liên quan