Tùy bút thời niên thiếu

Tản văn: Cốm tết

Bài đăng trên báo Thiếu niên tiền phong, năm 2007

Ảnh: Khi con trăng tháng chạp sáng nhất là lúc mùa cốm bắt đầu rộn rịp. (nguồn: phanthietpho page)

Tết hối hả đến sau lưng, cũng là lúc người dân quê tôi thảnh thơi việc đống áng, chuẩn bị đón tết. Đã thành lệ, nhà nào cũng làm cốm.

Khi con trăng tháng chạp sáng nhất là lúc mùa cốm bắt đầu rộn rịp. Sáng chưa tỏ đất, mỗi nhà nhóm một bếp lửa trước sân để rang nổ. Nhà tôi, bà luôn nhận việc đó. Bà rang dẻo tay lắm. Bà rang, chị em tôi vây quanh bếp lửa, chờ hạt nào bung vãi ra sân là nhặt ăn ngay. Ăn nổ lúc này vừa thổi vì nóng, vừa xuýt xoa vì lạnh, thật ấm bụng. Rang nổ là nếp chín vàng. Nếp càng mới thì cốm càng ngon và thơm.

Nếp được rang thì bung thành nổ, trắng và mềm vô cùng. Tiếng nổ bung lộp bộp, tiếng đũa chạm vào đấy chảo rồn rột, hòa vào tiếng con nít tranh nhau nỗ vãi ra sân tạo một âm thanh vui nhộn của những ngày giáp tết.

 Bà rang nổ, còn mẹ tôi nấu đường. Đường làm cốm phải là thứ đường sào, chỉ có tết mới được bày bán trong chợ làng. Khi mẹ nấu đường, chúng tôi không quay quần như lúc bà rang nổ vì đường nóng không ăn vụng được. Đường nấu phải đúng độ, không đặc quá cũng không loãng quá, rồi cho gừng vào mới ra vị cốm. Mà cũng lạ, hễ làm cốm là lúc gừng có mùa. Năm nào đến gần tết, nhà tôi cũng đào một thúng gừng trồng ngoài vườn, phải vùi vào tro bếp để ăn dần.

Đường nấu xong, mẹ xối vào nổ, bà trộn lên cho đều. Hạt nổ nào cũng thấm đường, thơm ngào ngạt. Lúc này, nổ đã thành cốm. Cốm được ủ để có độ dẻo và ngọt đều hơn. Tối đến, cơm nước xong xuôi, cả nhà quay quần bên tấm phản để đóng cốm. Bố là người khỏe nhất nhà nên được giao nhiệm vụ đóng cốm. Chị em tôi cũng phụ việc: Ngồi bốc mớ cốm trộn ra, vo tròn cho bố đóng. Những cục cốm vo tròn bỏ đầy vào cái khuôn gỗ hình vuông, đặt một miếng gỗ khác, ém thật mạnh xuống, nhấc cái khuôn lên là được một cái hộp cốm vuông vức, rất đẹp mắt. Vì đây là “ nghề” của bố nên đóng nhanh lắm, khiến chị em tôi vo mỏi cả tay mà chả ăn vụng được miếng nào cả.

Sáng hôm sau, nhà ai cũng mang cốm ra phơi. Cốm phải phơi được ba nắng thì mới ngon và cứng được. Chị em tôi thích nhất là gói cốm. Mẹ tôi mua giấy gói hồi rằm. Gói cốm như gói quà, gói phải kín để kiến khỏi chui vào và giữ được cốm lâu, sau đó dùng hồ làm từ bột khoai mì, dán lại cho kín.

Ảnh: Cốm không chỉ ngon mà phải đẹp, cho nên khi gói cốm xong thì đính những bông hoa bằng giấy sao cho hợp. (Phanthietpho page)

Cốm không chỉ ngon mà phải đẹp, cho nên khi gói cốm xong thì đính những bông hoa bằng giấy sao cho hợp. Cốm nhà này với nhà kia hơn nhau chỗ ấy. Cho nên ai cũng muốn làm cho hộp cốm nhà mình thật đẹp để món quà thơm thảo ấy mang đầy ý nghĩa.

Tết đang đến thật gần, đâu đâu cũng thấy không khí tết. Chị đang dán nốt những hộp cốm cuối cùng. Bố quét mạng nhện, mẹ làm thịt, ngâm măng…Bọn trẻ con tíu tít thổi bóng, giăng dây hoa.

Xuân đang về đầu ngõ…

Trần Minh Hợp

Phỏng vấn (2011): Tôi rất hứng khởi khi viết về người lính

Bài viết trước

Cô gái hớt tóc ở thị trấn mưa

Bài viết tiếp theo

Bài liên quan