Tạp bút đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối tuần
Cuối chân dốc làng Ó[1] có một ngôi nhà màu nâu đỏ, dừng bằng mấy miếng tôn thiếc mục. Bên hông nhà, dàn chanh dây lủng lẳng trái và hoa. Đó là ngôi nhà của Pơnh được nhà thờ và dân làng phụ cất để sống yên sau một đoạn đời hôn nhân thảm thiết.
Những chồi hồ tiêu Pơnh xin về ươm để trồng trong nhúm đất sau vườn đã nảy chồi xanh mướt. Từng miếng lá hình trái tim mơn mởn. (nguồn ảnh: permacultureplants.com)
Trên người Pơnh còn lằn nhiều vết bằm, vết cũ chưa tan máu, vết mới đã hằn lên. Chồng Pơnh như một hủ hèm lồng vào xác một con người. Thấy Pơnh ngồi thẩn thờ trong nhà, hơ tay trên bếp lửa vì cả chiều dầm mưa đi làm, gã nhào vào đánh đập, lôi Pơnh khắp nhà. Có bữa hắn đạp đổ mâm cơm vào người Pơnh, rồi đánh đuổi Pơnh ra khỏi nhà, mặc cho hai đứa con Ba Ba, Bốn Bốn ngồi khóc róng lên, ồn cả làng. Pơnh lang thang ra lô cao su, mắt hờ hững nhìn từng lá rụng trong đêm rồi thiếp đi. Pơnh nằm trong lạnh lẽo quên cả muỗi mòng rắn rết.
Hồi vợ chồng Pơnh cưới nhau, được gia đình chia thửa đất trồng khoai mì. Những lá mì đang non nỏn, củ đang ươm bột trong đất thì chồng Pơnh sau một chuyến đi lên phố về thì đột ngột đòi bán để mua bò về nuôi. Rồi những con bò cũng không yên trong nhà. Mỗi lần bỏ nhà đi trở về là chồng Pơnh lại dắt một con bò đi bán. Con bò cuối cùng bước chậm chạp ra khỏi làng Ó, cái đầu cứ cố rướn nhìn về phía Pơnh. Nực cười rằng, khi hắn qua lại với một người phụ nữ khác, nhưng sợ bị ghen nên về nhà dằn mặt Pơnh để buộc chị nhận là mẹ hắn chứ không phải là vợ. Lần cuối cùng trở về, hắn bán nhà và mảnh sân be bé, nơi Ba Ba, Bốn Bốn mỗi ngày đùa giỡn…
Pơnh không còn trông chờ gì vào đôi bàn tay đàn ông trong cuộc đời mình. Pơnh đã nghĩ ra lối thoát là kết thúc cuộc hôn nhân, dẫu Pơnh có thể chết đâu đó trong lô cao su, trên ruộng và trong rừng sâu vì lao lực, có thể Pơnh phạm vào đức tin, vượt qua lễ giáo của người phụ nữ Jarai. Khi dãy núi đằng đông hé chút nắng, Pơnh lên xã trình gửi đơn ly dị. Lá đơn Pơnh đọc cho Ba Ba viết. Những dòng chữ nghệch ngoạch, đầy lỗi chính tả của một học sinh lớp ba vùng núi nhưng phơi bày hết nỗi lòng. Pơnh hét vào mặt hắn, nói sẽ ra đi tay trắng, hắn mới chịu ly dị.
Pơnh sinh Hân trong mùa đông đang cắt da cắt thịt. Chị như bị bại liệt sau cuộc vượt cạn trong mái nhà tôn ẩm thấp, mùn mềm rách nát. Pơnh cố vét mấy hột gạo gãy nát, dính đầy đất và bụi cám để nấu nồi cháo cho các con. Pơnh có thể ngồi đếm được từng hột gạo lềnh bềnh trong xoang. Từ khi sinh Hân tới giờ, Pơnh không có sữa. Hân chỉ sống bằng nước suôi để nguội, mấy hột gạo nấu cháo cũng không nuốt được. Thỉnh thoảng, Pơnh thấy nước chảy ra từ trong mũi Hân vì hệ hô hấp bị tật, môi sứt ra hai mảng thịt đỏ ỏn. Hân không gì trong bụng, chắc Hân, đứa con trong quãng đời chia cắt, tưởng sẽ chết trong mùa đông ấy. Khi Hân khóc không còn ra tiếng, chỉ còn là động tác thở thều thào ở cuống họng thì cũng là lúc Pơnh nghĩ, nằm đây mẹ con cũng chết, thà đi kiếm miếng gì đó cho con sống rồi chị chết cũng được. Pơnh gói con trong chăn, trùm một chiếc áo dài tay cũ đã rách ở khuỷa, lê từng bước chân mỏi mệt trong gió cuốn, ra phía lô cao su mót váng mủ cặn còn xót lại. Pơnh bấu chặt tay vào từng thân cây, vét từng miếng mủ mỏng dính và lốm đốm cặn. Pơnh ngó những miếng nhựa che mủ xếp từng hàng thẳng tắp và trắng xóa, như thấy hàng cây đang đứng im lìm chịu tang cho số phận mình.
Đi hết độ năm đường lô là lúc sức cạn, Pơnh bán được tiền đủ mua một lon sữa ông thọ. Mùi sữa bò thơm, ấm cả chái nhà. Hân chấp chấp từng chút một. Như cái đói dồn dập làm lòng ruột khô hạn, giờ từng giọt sữa như một cơn mưa thấm vào đất, khiến mọi thứ trở nên tươi tắn. Hân nín khóc hẳn và ngủ ngon trong lòng mẹ…
Ảnh: Pơnh bấu chặt tay vào từng thân cây, vét từng miếng mủ mỏng dính và lốm đốm cặn.(laodong.vn)
Pơnh mở cửa sau để lấy củi, đun thêm cho Hân chén sữa thì thấy những chồi hồ tiêu Pơnh xin về ươm để trồng trong nhúm đất sau vườn đã nảy chồi xanh mướt. Từng miếng lá hình trái tim mơn mởn. Pơnh nghe thấy cả mùi cay cay, mùi sống sót từ mầm hồ tiêu lẫn trong từng luồng gió cuối đông ở Làng Ó.
[1] Làng người Jarai ở xã Ia Drăng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Trần Minh Hợp