Miền TâyVùng Đất & Tạp Bút

Ôm Tâm

Tạp bút đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần

ảnh: artleagueofoceancity.org

Lần đầu tiên tôi nghe từ “ôm tâm” từ một người đàn ông sống ở gần sông Vàm Cỏ Đông. Ông là cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Hình như đàn ông nghèo ở xứ Long An, Tây Ninh đều mang trong mình mùi khói đạn Tây Nam. Dấu vết của cơn sốt rét rừng trong trận đánh mùa mưa vẫn găm vào da thịt làm ông đau nhức, lạnh run khi Đức Hòa trở trời mưa gió. Ông rong ruổi kiếm sống bằng nghề phụ hồ từ Long An đến Bình Dương và chịu cả lạnh lẽo của những mùa đông núi ở Gia Lai, nhín nhút từng trăm ngàn gửi về cho vợ, con và đám cháu.

Cô Chơi, vợ ông, hanh đen gầy khô, ốm nhách như ngọn rau tai vị bên bờ Vàm Cỏ Đông. Bệnh tim của cô phát đi phát lại. Hai người con gái bị di chứng chất độc da cam từ ông để lại. Chị Dư như biến hình nhân dạng với một nửa đầu và khuôn mặt trơ trụi những u thịt, như một tạo hình trong phim kinh dị.

Một bữa, chị ở nhà chằm nón một mình, bị gã đàn ông trong xóm cưỡng hiếp đến mang thai. Tận cùng ê chề, đau đớn nhưng đứa trẻ sinh ra lành lặn và trắng trẻo một cách kỳ lạ, coi như cũng có giọt máu ruột thịt an ủi chị.

Chị Loan mắc chứng hở hàm ếch, chồng bỏ, dắt hai con thui thủi về ngoại.

Con trai ông, thằng Phong, cũng sớm có vợ, có con, đi làm công nhân rồi cũng khổ, cũng dắt díu về nội. Nhà đông, có bữa để có đồ ăn vợ ông phải lấy cơm cháy khô cạo đi phần mốc đỏ mốc đen, thả vào nồi nước sôi cho mấy đứa cháu húp đỡ. Mái nhà chẳng có gì để nói, chỉ chơ vơ mấy tấm bồ rách và ít miếng xốp màu.

Mùa mưa thì đụt mưa trong nhà cũng ướt. Ướt cả đầu cổ, ướt cả cuộc đời. Ông kể về cái nghèo mà nói chỉ biết ôm tâm mà chịu, chứ không biết lần ra thế nào…

Cũng chẳng biết ông tìm đâu ra một từ hay như vậy khi nói về cuộc đời mình, nghe đầy đủ sự cam chịu và chấp nhận cái khổ. Nghe ôm tâm như thể cái nghèo buộc người ta phải sống chung mà không kêu la than trách. Nghe ôm tâm mà như nghe có nước mắt chảy ở trong từ ngữ ấy…

Ảnh: Mái nhà chẳng có gì để nói, chỉ chơ vơ mấy tấm bồ rách và ít miếng xốp màu. (NNMU)

Lâu lắm sau đó, tôi nghe lại từ “ôm tâm” từ ông Ba làm chổi lông gà, sống ở xã Đa Phước, Bình Chánh. Sáu mươi chín năm cuộc đời của ông gắn liền với những cây chổi. Hằng ngày, ông Ba dựa lưng vô miếng tường lở lói trước nhà tự xe, tự quấn chổi rồi mang đi bán khắp thành phố. Xe suốt, đi suốt, giờ bàn chân ông sưng tấy, bước một bước là đau thốn ruột.

Giờ đây, tiếng rao chổi cũng hết thời, chân đi không còn nổi, ông cũng ráng ngồi quấn chổi bỏ mối để cha con không bị đói. Ông có năm người con, ai cũng nghèo. Ông sống với người con thứ tư, cũng tên là Tư. Chú Tư cũng đã năm mươi ba tuổi, không vợ con, gầy yếu vì bệnh xuất huyết bao tử, thần trí bất thường, cứ dở dở ương ương tỉnh mê không biết.

Nhìn chú trông như một khúc cây khô cắm trên bùn. Chiều chiều, cứ nằm võng đong đưa nhìn cuộc đời đìu hiu. Khỏe một chút, chú đi đập lúa kiếm tiền mua gạo. Hai cha con leo lét, lọ mọ với nhau, cơm đậu bắp chấm chao cho qua bữa. Cuộc đời đã nhiều cơm nhiều gạo mà hai cha con vẫn trong lằn ranh đói, khát.

Ông Ba ngồi bện chổi, ho khặc khụa, trong chất giọng già nua của mình cũng tỉ tê rằng kiếp nghèo phải ôm tâm mà chịu, chứ biết sao giờ…

Tôi gặp nhiều người nghèo nữa, họ đi hái rau chai, rau mốp trên sông để bán đến nỗi mấy đầu ngón tay cương mủ thối lở, họ đi mót lúa để ăn, họ đi làm công nhân nuôi chồng con tật nguyền… Họ không biết từ ôm tâm, nhưng chắc họ cũng đang ôm tâm. Cái nghèo thì chỉ có ôm tâm mà chịu, chỉ biết giậm đất kêu trời.

Họ rớt nước mắt nhiều lắm, đàn bà cũng khóc, đàn ông cũng khóc, con nít cũng khóc. Đừng trách họ không biết khuất phục khó khăn. Họ đổ mồ hôi nhiều lắm, nhưng có những cái nghèo tựa như là sự an bài, nghèo như rễ cây dừa, bám từ trong đất nghèo ra, nghèo mạt kiếp…

Không biết trên những miếng đất người sống, có bao nhiêu người đang ôm tâm? Ôm tâm vì cái nghèo, cái ngặt và vì những chuyện “lưu đày” đời họ…

Trần Minh Hợp

Mầm tiêu của Pơnh

Bài viết trước

Truyện rất ngắn – Quảng Ngãi

Bài viết tiếp theo

Bài liên quan