Truyện ngắn đăng trên báo Tuổi Trẻ, năm 2012
ảnh: www.medicalnewstoday.com
Nhân vật của chương trình tối thứ bảy tuần thứ ba của tháng mười hai là cụ bà bán vé số ở khu Bình Triệu. Bà gốc người miền Trung, mỗi khuya đều lặng lẽ dưới sương phố bán vé số, nuôi cụ ông đang nằm bệnh trong một phòng trọ ẩm thấp nằm sát mé sông, không còn một thân thích nào.
Thời thanh niên, ông bà gặp nhau trên phố chợ, khi ông còn bán cà rem bên phía tây sông trước giải phóng. Biên tập nhận được bức thư của người phụ nữ gần khu trọ bà đang ở đã ưu tiên khảo sát trước như một hoàn cảnh cấp bách.
Hai tuần sau ngày xác minh thực tế nhân vật, tổ chức sản xuất và biên tập của chương trình truyền hình thực tế cho người nghèo đã quyết định cho đoàn làm phim đến hiện trường để lấy hình và quay giao lưu. Đoàn phim tranh thủ đến từ mờ sáng để kịp cho cảnh quay bà cầu nguyện trước tượng Đức mẹ Maria sau hiên một nhà thờ trước lúc đi bán.
“Chào mừng quý vị đến với chương trình Chuyện mơ ước, chương trình dành cho những người không bao giờ khuất phục bởi số phận…” – đoạn opening(*) cho chương trình lần này là một lối đi trong hẻm, dưới dàn hoa muồng bò cạp vàng nở chói trong nắng, người dẫn chương trình cũng mặc chiếc áo sơmi vàng giản dị, cô luôn thích những đoạn dẫn nhập dưới bóng hoa nên cảm xúc dẫn rất chân thật và dịu dàng. Nghệ sĩ khách mời là một diễn viên có vẻ đẹp trong sáng nền nã, đang là hạng A nhưng rất chịu khó đi quay một chương trình với cátsê tượng trưng. Một chương trình với số phận nhân vật, người dẫn chương trình và khách mời đều hứa hẹn thu rating (**) cao cho đêm lên sóng.
Sau dư vị cảm xúc của đoạn opening hoàn hảo, biên tập kéo người dẫn chương trình và khách mời ra một bóng cây bên đường, trao đổi các chi tiết khai thác để chạm được nỗi buồn và tầng sâu cảm xúc của nhân vật. Một biên tập và một người dẫn chương trình luôn biết biến những giá trị mộc mạc của nhân vật thành một câu chuyện chân thật, không pha tạp một yếu tố diễn xuất nào. Sự đảm bảo của hai con người này đã kéo dài sự sống của chương trình, giữ chân khán giả và thu rating cao cho đài truyền hình thành phố. Trình tự cảnh quay đã được thống nhất với đạo diễn: đầu tiên là cảnh giao lưu ngoài phố, khi cụ bà lọ dọ với cây gậy cũ đi bán vé số. Tiếp theo là cảnh ông lão mờ mắt, tự sinh hoạt trong một góc phòng, sau đó tới đoạn bà trở về căn phòng trọ cũ nát, trút bịch cơm và một ít canh mua được đút ông ăn như mỗi ngày bà vẫn làm. Kết thúc là cảnh tổ chức trao tặng số tiền của nhà tài trợ, một công ty thép xây dựng, gần đoạn chạy ending(***) sẽ quay lấy cảm xúc của nhân vật, chòm xóm, cán bộ địa phương. Mọi cảnh quay đều tôn trọng theo sự thật đời sống của nhân vật, từ lời thoại đến cảnh bà thay áo, đút cơm cho ông, biên tập không có sự can thiệp nào nhưng vẫn tạo ra những hình ảnh hoàn chỉnh và động lòng. Sự chân thật luôn có giá trị. Đó cũng là điều làm cho khán giả cảm thấy chương trình truyền hình thực tế Chuyện mơ ước không bị gượng như những chương trình thực tế của các ngôi sao giải trí.
Bà lẩn thẩn quên rằng hôm nay sẽ có đài quay chương trình nên vẫn tới đại lý lấy vé số về bán. Nghe đâu phải quay cả buổi trời, sẽ không bán kịp hết trước giờ xổ nên bà tranh thủ dậy sớm hơn mọi ngày, nhưng phố chẳng có ai vì người tan ca chưa về, người làm ăn buổi sáng cũng chưa thức. Bà lặng lẽ trở về, ngồi bên tượng Đức Mẹ, đợi thời gian trôi một chút nữa. Bà đi một vòng phố nữa nhưng cũng không bán được tờ nào đành ngồi chờ gặp đoàn làm phim. Phân đoạn đầu tiên, người dẫn chương trình và cô diễn viên nhìn thấy một chút gượng nặng trên khuôn mặt nhàu cũ của bà như không tập trung được cho cảnh quay. Ngó sang mấy xấp vé số dày chưa rứt bán, cả hai hiểu ý và cô diễn viên ghé sát vào tai bà:
– Hôm nay con và mọi người sẽ mua hết chỗ vé số này, bà an tâm nha, không sợ bị ế đâu.
– Vậy hả? Bà cảm ơn con.
Người biên tập và đạo diễn đã cho lấy đoạn đối thoại một cách lặng lẽ để nhìn thấy diễn biến khuôn mặt của bà lão khi bán được hết vé số, có một chút thanh nhẹ và lắng đọng tựa hồ như một nhân vật điện ảnh.
Bà bắt đầu men gậy theo con phố cũ mình đi qua mỗi buổi sáng để bán vé số, mời mua bình thường như không hề có máy quay. Đoạn cảnh càng lúc càng xúc động khi bà bước run rẩy, khan giọng rao già trong gió sương buổi sáng. Bà đột ngột ngồi xuống bên vệ đường, thò tay vào túi áo, lấy ra một điếu thuốc đưa lên định châm lửa hút. Như một tình huống bất thường xảy ra, cả hiện trường quay đổ dồn mắt nhìn, bao nhiều cảm xúc thăng hoa tiêu biến mất.
– Cắt! – Đạo diễn lên tiếng và quay sang người biên tập dò hỏi.
Cô gái hóa trang, mặc quần linen vàng ống rộng tung bay trong gió, rướn người chậm phấn cho người dẫn chương trình, nói xì xào:
– Nghĩ sao già mà đi hút thuốc lá, làm bay hết cảm xúc…
Biên tập vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng suy nghĩ vừa rơi xuống, nhìn đắn đo:
– Bà ơi, bà không được hút thuốc như vậy, bà phải ngưng hút để tụi con quay cho trọn. Điều này sai và ảnh hưởng đến việc tuyên truyền của tụi con.
Bà buông điếu thuốc buồn bã, nhìn vào khuôn mặt đang căng thẳng của người biên tập, giọng chậm run run:
– Con cho bà hút đi! Bà lạnh. Bà không có áo ấm nên phải hút thuốc cho bớt lạnh để đi bán lúc sáng sớm, nha con!
Cả đoàn phim im lặng. Người biên tập bước nhẹ tới ngồi xuống, tự châm điếu thuốc, nắm lấy bàn tay gầy xương của bà, hỏi trong mắt dắm đỏ:
– Bà còn lạnh lắm không?
Lần đầu tiên chương trình truyền hình thực tế Chuyện ước mơ lên sóng có… khói thuốc lá.
Trần Minh Hợp
(*) Đoạn dẫn nhập.
(**) Chỉ số người xem
truyền hình.
(***) Đoạn chạy chữ kết thúc.