Tản văn đăng trên báo Tuổi Trẻ Online, tết 2009

ảnh: Nhìn má lọ mọ làm củ cải chua suốt đêm, bàn tay đã gân guốc còn đầy mùi củ cải, nguồn: baove.congly.vn
Tết về nhà, gắp miếng củ cải chua má muối ăn giòn rụm. Nhắm mắt, cảm nhận hương vị len nhẹ vào đầu lưỡi và tâm hồn. Củ cải chua Sài Gòn cũng có, miền nào cũng có cớ sao vẫn không bì được củ cải chua ở nhà má muối. Thành thử mong đến tết mau mau, bắt xe đò về, sà vào bếp, gắp một miếng cải chua của má, nhai rột rột, giòn tan trong miệng.
Má nức tiếng trong xã vì tài nghệ làm củ cải chua. Gần tết là người đâu đâu vô ra nhà tôi đông đúc, chộn rộn để “học lỏm” nghề. Học hoài, học từ chạp này qua chạp nọ, học đến đêm ba mươi rồi vẫn không làm được. Có người còn bưng cả thau củ cải muối đóng nhớt đến nhà hỏi má tại sao hư. Buồn cười và tự hào về má gì đâu: Chị với cô thì còn lâu mới bằng má “tớ” nhé!
Cũng chính tài nghệ này hễ tết là nhà chật chội củ cải, đường cát, dấm… của người ta đưa tới nhờ má làm. Về nhà thấy má cứ khổ sở loay hoay những thứ ấy là tôi phát cáu. Má nói: “Tội người ta, năm có một lần tết, người ta làm không được mới nhờ mình!”.
Tôi lại phát cáu: “Má tội người ta rồi ai tội má”.
Nhìn má lọ mọ làm củ cải chua suốt đêm, bàn tay đã gân guốc còn đầy mùi củ cải, đứa con nào chẳng xót. Có lúc tôi kêu má: “Thôi năm nay nhà mình khỏi làm củ cải chua đi má. Má không làm thì người ta hết tới nhờ à!”.
Má lườm rất hiền: “Tổ cha bây, không làm thì bây lấy gì mà ăn tết . Không khéo bây lại trách má”.
Chịu thua má…
Ngồi Sài Gòn, ngóng tết sao lâu quá. Thèm một miếng củ cải chua má muối nhai giòn rụm.
Trần Minh Hợp