Tạp bút đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, chạp tết 2015

Em sợ tết này, gió me rụng thổi dữ dằn, ba bị lạnh. nguồn: bachhoaxanh.com
Mọi người gọi ngọn gió cuối năm là gió me rụng. Vì gió thổi một vài cơn là me chín rụng khắp thôn, tụi nhỏ tranh thủ đi lượm về lột bán kiếm tiền xài tết.
Gió me rụng thổi cả chục cơn trong ngày, ông Năm vẫn ngồi trước bộ ván uống trà, ngó mấy tàu dừa khô ở bìa kênh bên kia, rồi khóc nhớ vợ. Giấc tối, ông nằm ngủ trên ván, chịu lạnh để nhường cho Tùng một chỗ ngủ ấm hơn trong nhà.
Bộ ván có gốc gác từ ba tấm ván hòm, mục dọc thủng ngang nhưng còn chắc, những đường vân gỗ còn mờ mờ và mùi đất phèn mấy chục năm chôn cất còn hanh nồng. Lúc hốt cốt thi hài một ông địa chủ ở xứ này, người ta thả ván hòm trôi sông, ông bơi ra kéo về, đóng bốn trụ dừa, xếp lên thành bộ ván để đặt lưng.
Mấy tấm ván trước ủ ấm người chết giờ lại đỡ lưng cho người sống. Cũng chẳng hiểu, do thần trí không tỉnh táo hay do quá nghèo, thèm một chỗ nằm ấm để qua đợt gió me rụng tết này mà ông vớt những tấm ván đóng hòm đó về nhà…
Ông Năm bị chứng phong đòn gánh từ nhỏ, càng về già gương mặt ông hiện rõ nhiều nếp da ngẩn ngơ khùng khờ. Mỗi khi nắng lên, mắt tai của ông càng yếu. Có nhiều khi nấu nồi canh, ông nêm lộn đường thành muối nên phải ăn nồi canh cá sặc lõng bõng, mặn đến đau lưỡi. Còn thảm nữa là cái vụ múc lộn cháo heo để ăn…
Ông trải qua hai cuộc hôn nhân. Chia ly, sum họp rồi chia ly vĩnh viễn khi hai người vợ đều mất đi. Khi vợ đầu dắt ba đứa con đi tha hương, người vợ thứ hai sống chung ít lâu thì cũng xuống dưới nằm trước.
Người vợ đầu bị ung thư phổi, khi về quê để chờ ngày xuôi tay nhắm mắt thì vợ chồng nhận lại nhau trong nước mắt. Bàn tay và hơi thở của bà lúc mất vẫn còn oi mùi cá, mùi dấu vết của một thời bà cùng các con mưu sinh trong chợ cá.
Mẹ mất, Tùng nghe lời trăng trối; con ở lại nhớ chăm cha. Nó xa ông từ khi mẹ bồng trên tay đi khỏi nhà, giờ sợi dây máu mủ hai mươi năm được nối lại. Tùng giống ông y đúc, mang hình hài của ông.
Càng lớn lên, khuôn mặt càng ngơ ngẩn, những nếp da hằn lên bất thường. Lúc nói chuyện, Tùng cà lăm, nhả từng chữ một, rất khó nhọc. Vì nhớ quên tùy lúc nên Tùng không học được chữ, cứ lủi thủi theo mẹ ra chợ bán cá đến ngày đưa mẹ về nhà…
Nhúm đất nhỏ xíu, khô ran, lại nhiễm phèn nặng, hai cha con không trồng được đọt rau nào. Tùng phải cắm câu, đặt lờ ở khúc sông sau nhà để kiếm cá về kho lạt. Có những buổi chiều, Tùng ngồi trên cầu ao, tựa một nhân hình chết chóc. Tùng nhìn cha, lui cui trong bếp cũng như một nhân hình chết chóc…
Gió me rụng năm nay sao thổi dữ và lạnh hơn nhiều. Nửa đêm, Tùng giật mình thức, chưa kịp mang dép đã chạy ra tấm ván hòm ngó cha. Ông cũng nằm nép sát vách, để áp vào hơi ấm của lá dừa khô. Tùng lấy thêm cái mền trùm lên ngực cho ông, rồi vội quay vô trong chỗ nằm lạnh lẽo trong nhà, nhớ đến người mẹ đã mất. Tùng luôn cảm giác mẹ giờ đang rất lạnh lẽo.
Những ngày ở chợ cá, mỗi tối Tùng nằm sát bên nách mẹ để thấy có điểm tựa, giờ mẹ không còn sống, Tùng chỉ biết tựa vào ký ức, và muốn khóc khi nghĩ đến nấm mồ của mẹ bị lạnh, phổi của mẹ chắc bị đau lắm trong những cơn gió me rụng dữ dội này.
Từ đầu tháng chạp, Tùng xin làm thêm giấc tối trong vựa ve chai. Tối tối trải chiếu lên đống nhôm nhựa để ngủ canh vựa. Tùng nằm ôm con chó cho bớt lạnh.
Sắp tết nên ve chai mua nhiều và trộm cắp cũng nhiều. Trong một cuộc vật lộn với tên trộm để giữ lại con chó cho chủ, Tùng bị kéo lê trên đường nhựa lạnh tanh, tay xước mấy đường máu liền.
Chị chủ sợ quá không dám cho Tùng làm đêm nữa nhưng Tùng ngậm ngụm trà đường rồi cà lăm năn nỉ: “Làm đêm em mới đủ tiền mua cho ba cái mền mới. Em sợ tết này, gió me rụng thổi dữ dằn, ba bị lạnh…’
Trần Minh Hợp