Nhà xuất bản Văn Hóa- Văn Nghệ, năm 2011
LỜI BẠT SÁCH CỦA NHÀ VĂN ĐOÀN THẠCH BIỀN:
Đọc tập truyện Cô gái bán ô màu đỏ của Trần Minh Hợp, bạn sẽ thích thú vì được tác giả hướng dẫn đi phiêu du nhiều nơi ở nước ngoài. Thăm một thị trấn ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), đến Alaide nơi huấn luyện phi công, thưởng thức trái kiwi ở Te Puke (New Zealand), đi xem họp chợ cá mòi Tsukiji (Nhật Bản). Còn trong nước, bạn sẽ được tác giả hướng dẫn đến thăm phố cổ Hội An, một bản người Thái ở Tây Bắc, một ga nhỏ hiu hắt miền Trung, một chợ chiều ở miền Đông Nam Bộ, cảnh sông nước mênh mông miền Tây…
Địa danh trong truyện của Trần Minh Hợp luôn luôn thay đổi nên con người và sự việc trong truyện của anh cũng thay đổi theo. Điều đó khiến bạn đọc không cảm thấy nhàm chán khi đọc hết tập truyện. Mỗi nhà văn thường gắn bó với một vùng đất để có thể viết sâu sắc hơn về con người nơi đó. Trần Minh Hợp không gắn bó mật thiết với vùng đất nào. Các nhân vật của anh phiêu du trong trí tưởng tượng qua nhiều nơi chốn, nhưng khi trở về họ đều chìm đắm trong nỗi cô đơn.
“Tình yêu, tuổi thanh xuân đã trượt qua anh trên một con dốc dài thẳng đứng… Có lẽ, anh đang rơi vào tâm trạng hụt hẫng của thế hệ thanh niên đô thị mới, tìm cách bỏ chạy nhưng hoàn toàn bất lực…” (trang 79).
Mười hai truyện ngắn trong tập này, ba truyện có tựa mưa: Alaide bỗng đổ mưa, Mưa trút trên mái chợ chiều, Đêm mai có mưa rơi. Mưa còn rơi dai dẳng trong các truyện khác dù không có tựa mưa. “Chắc đêm mai, mưa cũng rơi thôi, mưa rơi nhớ thương…” (trang 103). Những cơn mưa đã giúp các nhân vật đến gần với nhau hơn và giúp họ bớt cô đơn.
Tập truyện ngắn này được Trần Minh Hợp viết khi đang là một sinh viên. Chúng tỏ óc tưởng tượng của anh rất phong phú. Một trong những đều kiện giúp nhà văn tiến xa, đấy chính là óc tưởng tượng. Nó sẽ lôi cuốn bạn đọc cùng đi hết cuộc hành trình với tác giả. Trần Minh hợp đã có được điều kiện đó. Bằng chứng đa số truyện ngắn trong tập này đã được các báo chọn in.
Tôi thích truyện Phố Hoài có một cô gái gốc Hoa, sống lẻ loi như chiếc bóng trong ngôi nhà cổ. Cô ấy rất cô đơn, cô ấy muốn được ai đó nhìn thấy và gọi tên. Cuối cùng đã có người gọi đúng tên cô và cô vui sướng thốt lên: “Tôi đã được nhìn thấy”. Tôi nghĩ Trần Minh Hợp cũng sẽ vui sướng thốt lên câu nói đó, khi tập truyện này đến tay bạn đọc.
bìa gấp của sách, năm 2011