Truyện đăng trên Báo Sinh Viên Việt Nam
Tôi vẫn là người buồn thuê. Buồn thật sự và được trả tiền cho nỗi buồn thật sự ấy. (https://friisberg.com)
- Cà phê núi
Tôi làm nghề buồn thuê cho một quán cà phê, chuyên bán loại cà phê thương hiệu địa phương, có chỉ dẫn địa lý là một thị trấn miền núi. Vị cà phê đắng và thơm, uống từng ngụm trong một ly thấp, bỏ độ chừng hai viên đá. Nguồn nước đun để pha cà phê, cũng được lấy từ những khe đá trên núi dẫn theo ống tre xuống như cách những người trong các bản làng dân tộc chiết nước uống. Một tuyệt phẩm cà phê ngon lặng lẽ…
Công việc bắt đầu vào đầu giờ tối, khi quán mở cửa độ một tiếng, tôi ngồi một chiếc bàn trong góc, cứ gọi một ly cà phê ngồi uống. Trong khoảng thời gian đó, tôi không được phép thể hiện một tâm trạng nào khác, ngoài tâm tâm trạng buồn. Nhân viên quán không biết tôi là ai, làm gì, cũng đối xử như một người khách bình thường. Mọi người chỉ biết cái bàn tôi ngồi đã được đặt chỗ mỗi tối, và đặt một túi cà phê có tên thương hiệu địa phương. Nhiều khi nghĩ cao quý trong lòng, tôi tựa như gương mặt đại diện của quán cà phê và thương hiệu cà phê thị trấn miền núi này. Tôi ngồi vào chiếc bàn đó, luồng ánh sáng mờ tỏ từ mấy bóng đèn vàng trên trần khiến khuôn mặt càng đọng thứ cảm xúc sâu lắng. Tôi ngồi im như người đang buồn, đọc một quyển sách, bấm điện thoại, gắn tai phôn nghe nhạc và phải thật buồn, như là bất chấp. Ý đồ của chủ quán là muốn tạo ra một góc thi vị cho quán, mỗi khi khách nhìn vào tôi sẽ thấy thật cảm xúc, họ có cái để nhìn, để đồng cảm. Nếu ai đó để ý đến tôi, thích một điều gì đó lãng mạn thì sẽ đến quán vì họ phát hiện có một người thanh niên thanh tú cứ hay ngồi lặng lẽ ở một góc buồn hiu. Bạn bè, người thân không biết mỗi buổi tối tôi làm gì, vài ba người quen thỉnh thoảng vào quán, thấy tôi ở góc buồn bã đó, rồi cũng lại quên. Có khi họ ngồi nói vài ba câu, thế là những đêm đó tôi không được tính công, chỉ được miễn phí tiền cà phê. Vẫn có một đôi mắt vô hình đang theo dõi và kiểm soát công việc. Tôi tựa như một người làm gián điệp, không được tiết lộ thân phận và việc làm của mình. Mà cũng phải, nếu thông tin bị lộ thì cái dáng ngồi buồn thuê ở quán trở nên kệch cỡm, chán nản vô cùng. Tôi được miễn phí tiền cà phê vì hóa đơn sẽ được hoàn trả mỗi khi lãnh lương, được đắm chìm trong những bản nhạc miền núi da diết, cháy bỏng. Hương vị ngào ngạt của cà phê trở nên thân thuộc như thứ mùi ruột thịt.
2. Lời khen sóng mũi
Một cái nghề nhàn rỗi, chỉ dùng những động thái trên khuôn mặt và vài ba cử chỉ để đánh lừa khách uống cà phê. Nhưng có những lúc tôi buồn thật, tôi ngồi trầm ngâm uống cà phê, thỉnh thoảng như muốn khóc trong không khí sâu lắng của quán.
Hôm nay tôi cũng muốn khóc thật. Tôi đang buồn thật mà quán lại mở Đôi chân trần của nhạc sỹ Y Phon Ksor, da diết và nao lòng: “Cha đi giữa rừng hoang vu, lưng cha thì đội nắng gầy, ôi tóc bạc tựa trăng soi, cả cuộc đời và cả cuộc đời ôi đôi chân trần”. Y Phon viết những bài ca tuyệt diệu và sống cuộc đời nghệ sỹ tỉnh lẻ nghèo nàn. Quán mở thêm Đi tìm lời ru thần mặt trời như thách thức cho sự mạnh mẽ, chống chọi với những cơn buồn:“Một mình qua sông, qua núi đồi, tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời. Từng chiều đàn Goong mong chờ nhau”. Một bài hát cái tựa rất quen, nhưng nghe từng chữ thì lạ lẫm, thi vị vô cùng.
Tôi dụi dụi mắt cũng một phần vì cảm động trước những từ ngữ bài hát. Uống cà phê núi, nghe bài hát về núi, như là thứ đỉnh cao của sự lãng mạn. Nhiều khách đã nhìn trân vào tôi, như thấy một hiện tượng xúc cảm thú vị. Tôi cũng thấy mình được một buổi thăng hoa trong nghề buồn thuê.
“Làm tốt lắm! Mọi người đang mê mẩn ngắm anh, sóng mũi của anh thẳng băng cuốn hút lắm!”
Một tin nhắn từ số lạ gửi đến điện thoại làm tôi chưng hững, chỉ có người biết nghề buồn thuê của tôi mới nói như vậy. Nhưng cái cách nói làm tôi thấy hơi bẽ bàng, đắng lòng vì tôi đang buồn thiệt mà người khác nghĩ là tôi đang buồn thuê. Có thể là người của quán đang kiểm tra? Người đó đã lộ diện? Tôi cũng muốn biết con người quyền lực ấy, người chấm công cho tôi.
“Em là ai? Cảm ơn vì lời khen sóng mũi…”
Đầu bên kia im ắng, tôi thấy không được thoải mái trong lòng, muốn người nhắn tin rút lại dòng chữ : “Làm tốt lắm!”, kiểu nói mệnh lệnh như một đạo diễn, một người dẫn đầu nói với những người lính của mình.
“Em là ai? Đừng có hiểu lầm tồi tệ như vậy!” – Tôi gửi đi một tin nhắn nữa. Động thái vẫn vô nghĩa. Cái số lạ vẫn im ắng trong đêm.
“Em là ai? Anh không thích cái cách nói chuyện của em.” – Tôi gửi một tin nhắn chấm kết. Tôi muốn gửi một thông điệp đến đầu dây bên kia, đừng vội phán xét vội khi chỉ là một ánh nhìn. Tôi sẽ không gọi điện vì như vậy càng làm người ta sẽ tưởng như một tội đồ đang cố gắng giải thích hành vi phạm pháp của mình.
Tôi gọi cho người chủ quán, người thuê tôi ngồi buồn cho quán về cái tin nhắn khen ngợi đầy ẩn ý đó, kèm theo một tin báo có số điện thoại đã gửi tin. Sau một vài cú điện thoại của chủ quán, thì người điểm danh giấu mặt cũng không phải là thủ phạm. Chẳng lẻ, tôi đã bị lộ là người buồn thuê? Chẳng lẻ, cái duyên nghề của tôi đã kết thúc… Tôi đi làm chỉ trở nên là thứ để người ta cười thôi. Và người ta sẽ không tin gì vào cái quán cà phê thương hiệu địa phương này nữa, mọi thứ trở nên giả tạo, kể cả cái vị đắng thơm tho trong từng ly cà phê nhỏ. Một buổi tối càng buồn thêm gấp trăm lần…
Trên xe trở về nhà, người chủ quán gọi điện an ủi nhưng tôi vẫn thấy chút âu lo trong giọng nói. Tôi lại nảy ra một điều cực đoan khác rằng có thể chủ quán muốn kết thúc việc thuê tôi một cách êm đẹp, tự nguyện, không mang tiếng cho quán. Nghĩ chẳng cần, vì họ có thể đuổi việc mà không sợ tôi tiết lộ cái bí mật thân phận mình, điều tôi đã cam kết khi nhận việc. Nhưng người chủ vẫn khăng khăng là muốn tôi vẫn cứ đến làm dù tôi có chút đá động đến việc mình nghỉ làm sẽ ổn cho quán hơn.
Tôi vẫn là người buồn thuê, bất luận thế nào đi chăng nữa…
Tôi sẽ dùng nỗi buồn và những ca từ của Y Phon tối qua để nói chuyện với cái người núp trong bóng tối, nhắn tin phỉ báng và trêu đùa nỗi buồn của tôi…
3. Cô gái có điện thoại nắp trượt
Quán tối nay mở nhạc không lời, tôi thầm nghĩ, nếu hôm nay có manh mối nào thì tôi sẽ bỏ ngày công để chiêu dụ đối tượng. Tôi quyết định gọi nước suối. Một cốc nước lấy trên núi cao đun sôi, hơi ấm ấm, vừa với đầu lưỡi, cũng là một thức uống mang thương hiệu địa phương của quán. Tôi hớp một ngụm, vị ấm và ngọt tan ra khắp cuống họng và cơ mặt. Một tiểu thuyết mỏng và giản dị khiến tôi nhanh chóng chìm trong cảm giác lặng lẽ, đúng chất của người đang buồn.
“Sao không phải là cà phê đen?” – Một tin nhắn chạy trên màn hình điện thoại. Y chốc cái số phá phách tối qua. Đối tượng bắt đầu bị dẫn dụ với chiêu thức đầu tiên. Tôi vờ không nghe thấy chuông để cho đối tượng tiếp tục giãy nảy khó chịu, nhìn lên trần nhà, đưa nỗi buồn lên cao, và im lìm với tiếng nhạc nền tuyệt hảo.
“ Sao lại là một ly nước sôi để nguội? ” – Một tin nhắn khác tiếp tục hiện trên màn hình. Lần này thì tôi trả lời nhưng cộc cằn và gọn lỏn, thiết nghĩ cũng để cho đầu tin bên kia bực bội:
“ Kệ, menu có viết nước núi.”
“ Nói chuyện rất dễ ghét, không giống cái mũi thẳng băng…”
Tôi tiếp tục lặng im với quyển tiểu thuyết, phục vụ mang cho tôi một lọ nến thơm, sáp nến hình hoa hồng trắng dịu dàng nhưng chủ yếu là để soi rõ cái hiệu cà phê để trên bàn. Khách ngắm tôi trong lặng lẽ và cũng thuộc tên hiệu cà phê trong lặng lẽ. Càng nghĩ, tôi càng bật cười và quên đi nỗi lo bị phát hiện làm cái nghề cơ mật.
Một khách nữ đột ngột kêu phục vụ tính tiền, dù ly nước còn nghe mùi máy xay. Tôi bắt đầu hồ nghi, nhưng vẫn để trạng thái cái mũi nghiêng nghiêng, giữ sự thu hút người nhắn tin kỳ lạ. Gương mặt vẫn còn buồn, chỉ liếc nhẹ mắt.
Hình như cô gái ấy không thèm nhìn tôi nữa, như đang bị phát giác bỏ đi cho bớt căng thẳng và quê độ. Tôi thấy mình cũng hơi quá đà trong một không khí lãng mạn hiện sinh thế này. Nhưng tất cả chỉ là sự nghi ngờ, không có một manh mối nào để xác minh, tóm gọn đối tượng, hai mặt một lời về tin nhắn tối qua.
Tôi bấm số gọi, nếu để chuông thì quá đơn giản, nếu để chế độ rung thì khoảng cách lúc cô đi ngang cửa, sát mép bàn đang ngồi thì tôi có thể hoàn toàn nghe thấy. Nhưng điện thoại đã cúp nguồn, tôi thất bát trước cuộc tấn công trực diện của mình.
Nhưng không còn sự hồ nghi nào khác, ngoại trừ cô gái này… Cô gái sắp ra khỏi quán rồi, một cảm giác sẽ không gặp lại người này như rõ ràng.
Cô gái vẫn cầm điện thoại trong tay, một cái điện thoại nắp trượt. Thời cơ đã tới, khi cô gái loay hoay vừa bước ra gần cửa, tôi cũng vờ đứng lên, cái bờ vai tấn công vào điện thoại. Điện thoại rớt xuống thật, tôi nhanh tay chụp lại trong trạng thái hoàn toàn chủ động. Sẵn trớn trong sự hỗn loạn, tôi kéo trượt nắp điện thoại lên. Màn hình tối thui, chứng tỏ đã cúp nguồn. Sự kết hợp giữa manh mối cảm xúc và manh mối điện thoại, tôi cho phép mình xác định danh tính người bí ẩn tối qua.
Tôi đứng trước của quán đứng đợi cô gái, trong ngóng một cuộc nói chuyện có tấm có miếng:
– Em có muốn nhìn thấy cái mũi thẳng băng của anh không? – Tôi cất tiếng nhã nhặn khi cô gái vừa bước qua bậc cửa.
– Không muốn nhìn nữa, vì anh chỉ là người ngồi buồn giả tạo. Cái mũi ấy gắn trên một khuôn mặt buồn thiệt mới đáng ngắm nhìn. Còn không thì đẹp kệch cỡm lắm.
Tôi nghe một sự đau nhức chạy râm ran khắp người. Người ta đã nhìn thấy cái góc khuất bạc bẽo của cái nghề tôi đang làm, đó là đánh lừa, là sự giả tạo.
– Nhưng cái đêm em nhắn tin cho anh, đêm đó anh buồn thật, anh cũng thương cho những ca từ của Y Phon
– Em đã nhìn anh lâu rồi, cái mũi anh đáng yêu lắm, khuôn mặt anh buồn đỉnh cao lắm. Nhưng cái hôm ngày ba mươi, anh đến quầy nhận thù lao, thanh toán một đống hóa đơn trong túi đeo thì em đã nghi ngờ về cái sự ngồi thường xuyên và có quy luật của anh rồi. Anh đã lừa rất nhiều người rồi đấy…
Tôi không nói đỡ được câu nào nữa hết. Nhưng bắt đầu xâm chiếm một sự xúc phạm.
– Đây là quán cà phê, không phải là sân khấu để phô bày và diễn nỗi buồn… – Đôi mắt em tràn trề thất vọng.
– Thôi đủ rồi, em không cần nói nữa, em thấy giả tạo thì không đến nữa. Có cả những thứ còn lớn hơn sự giả tạo, che lấp sự giả tạo một cách đàng hoàng. Anh đã cho bao nhiêu người thứ cảm xúc để họ chà đạp anh thế này sao? Chủ quán có tính tiền nhìn anh vào ly cà phê của mọi người không? Họ chỉ muốn có một điều đặc biệt để khách đến quán đông, để uống loại cà phê địa phương ngon lành, những loại cà phê lặng lẽ nhưng làm từ mồ hôi của những người miền núi. Cảm ơn em đã từng uống những giọt cà phê chắt chiu đó.
Tôi rắn rỏi và ý tứ chảy ra mạch lạc. Cô gái bỏ đi trong ánh sáng xạm vàng của những cột đèn trước quán. Tôi không dám ngoái nhìn vì sợ mình sẽ buồn thêm nữa. Mình có buồn nữa thì người ta cũng chỉ xem mình là người buồn thuê, chỉ là một người buồn thuê ăn lương theo tháng…
4.Tôi vẫn là người buồn thuê.
Chiếc bàn vẫn giữ nguyên vị trí, vẫn là một túi cà phê mang nhãn hiệu của thị trấn núi, hai viên đá đang tan trong dòng cà phê sánh đặc. Tôi vẫn ngồi đó lặng lẽ, đọc một quyển tiểu thuyết và đắm chìm trong nỗi buồn.
Tôi vẫn là người buồn thuê. Buồn thật sự và được trả tiền cho nỗi buồn thật sự ấy.
Cô gái kia không trở lại quán. Không bao giờ trở lại.
Có cả những thứ còn lớn hơn sự giả tạo, che lấp sự giả tạo một cách đàng hoàng…
Trần Minh Hợp